Tỉnh có đường biên giới ngắn nhất Việt Nam sắp có hai khu công nghiệp rộng 800ha
Các khu công nghiệp này sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, cơ khí chính xác và chế biến sâu, đặc biệt là phục vụ chuỗi ngành hàng nông sản.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Từ năm 2016-2020, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng trung bình 6,86%/năm.
Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 15.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư gần 19.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động. Sự phát triển của các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) đã đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ.
Đến nay, Đồng Tháp có 4 KCN với tổng diện tích khoảng 400 ha. Hiện có 3 KCN đang hoạt động, thu hút 61 dự án đầu tư sản xuất và kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 11.561 tỷ đồng. Trong đó, có 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 232,02 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đang hoạt động đạt khoảng 90%, tạo việc làm cho khoảng 13.700 lao động.
Tại kỳ họp đột xuất lần thứ 9, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Đồng Tháp đã thông qua nghị quyết lập quy hoạch hai khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 800ha. Quy hoạch này sẽ được triển khai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Khu công nghiệp Sông Hậu 2: Quy hoạch KCN Sông Hậu 2 có tổng diện tích khoảng 710ha, nằm dọc tuyến quốc lộ N2B, quốc lộ 80, quốc lộ 54, thuộc xã Bình Thành, Định An, Định Yên (huyện Lấp Vò).
Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn: Giai đoạn đầu (đến năm 2030): 282ha; giai đoạn sau (sau năm 2030): mở rộng thêm 428ha theo nhu cầu phát triển. Đồng thời, khu tái định cư cho các hộ dân thuộc khu vực 282 ha sẽ được bố trí tại khu tái định cư cầu Vàm Cống - Cao Lãnh.
Khu công nghiệp Cao Lãnh III: Quy hoạch KCN Cao Lãnh III có diện tích 94 ha, nằm dọc tuyến Quốc lộ 30, thuộc địa bàn hai xã Bình Hàng Trung và Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh).
Ranh giới khu công nghiệp bao gồm: Phía Bắc - giáp khu chợ Bình Hàng Trung; phía Nam - giáp sông Cái Nhỏ; phía Đông - giáp Quốc lộ 30; phía Tây - giáp sông Tiền.
Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển các khu công nghiệp đa ngành với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ. Các khu công nghiệp này sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, cơ khí chính xác và chế biến sâu, đặc biệt là phục vụ chuỗi ngành hàng nông sản.
Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên phát triển các dịch vụ hậu cần, cảng, hệ thống kho bãi và logistics, nhằm phục vụ chuỗi cung ứng và kết nối với các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại Cao Lãnh, bao gồm cả KCN Cao Lãnh II.
Đồng Tháp là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi dòng sông Tiền chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng là tỉnh có đường biên giới ngắn nhất với Campuchia, chỉ dài 50,675km. Đồng Tháp có 4 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà, đóng vai trò quan trọng trong giao thương và phát triển kinh tế khu vực.