Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam hỗ trợ 1 tỷ đồng mua nhà ở cho người tài về làm việc tại tỉnh

Tỉnh này sẽ trở thành địa phương đầu tiên triển khai chính sách hỗ trợ cho công tác giảng dạy và đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Thông tin trên Báo Vietnamnet cho biết, ngày 19/7, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức buổi họp báo triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND và Nghị quyết số 06/2024/NQ-HĐND ngày 28/6/2024 của HĐND tỉnh.

Một góc Bắc Ninh từ trên cao (Ảnh: Internet)
Một góc Bắc Ninh từ trên cao (Ảnh: Internet)

Trong đó, Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND tập trung vào việc hỗ trợ các nhà giáo, học sinh, và sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học. Mục tiêu là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn để phục vụ cho sự phát triển của nền công nghiệp số.

Theo Nghị quyết 05, tỉnh Bắc Ninh sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho nhà giáo có trình độ sau đại học, được tuyển dụng để giảng dạy trong các chương trình đào tạo chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn tại các cơ sở đào tạo công lập trực thuộc tỉnh. Điều kiện là họ phải cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm. Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Giáo sư là nam 200 triệu đồng, nữ 220 triệu đồng; phó Giáo sư nam 140 triệu đồng, nữ 160 triệu đồng; Tiến sĩ nam 100 triệu đồng; nữ 120 triệu đồng; Thạc sĩ (ngành công nghiệp bán dẫn) nam 80 triệu đồng, nữ 100 triệu đồng.

Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh cũng cam kết hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng cho các Giáo sư, phó Giáo sư và Tiến sĩ từ ngoài tỉnh, với điều kiện họ được tuyển dụng và cam kết giảng dạy lâu dài ít nhất 10 năm.

Hình minh hoạ (Ảnh: Internet)
Hình minh hoạ (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cũng triển khai các chính sách nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của các nhà giáo đang công tác tại các trường công lập trực thuộc tỉnh. Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% học phí và chi phí tài liệu học tập cho những nhà giáo tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn nhằm học chuyển đổi hoặc bồi dưỡng nâng cao kiến thức trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Các chương trình đào tạo này có thể được tổ chức tại các trường đại học và học viện trong nước hoặc nước ngoài. Mục tiêu của chính sách này là giúp các nhà giáo cập nhật kiến thức mới nhất và phát triển kỹ năng giảng dạy trong chuyên ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp số.

Sinh viên theo học ngành bán dẫn ở Bắc Ninh sẽ được hỗ trợ một phần chi phí (Ảnh: Internet)
Sinh viên theo học ngành bán dẫn ở Bắc Ninh sẽ được hỗ trợ một phần chi phí (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, đối với những người học nghề, tỉnh Bắc Ninh cũng hỗ trợ học phí các ngành, nghề theo chương trình đào tạo chất lượng cao và nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Cụ thể, mức chi hỗ trợ học phí cho học sinh, người lao động đã tốt nghiệp THPT tham gia học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp theo chương trình đào tạo chất lượng cao và nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo sẽ từ 1.640.000 đồng/tháng/em đến 2.940.000/tháng/em, tuy nhiên điều này còn tùy theo bậc học và năm học khác nhau.

Đồng thời, Bắc Ninh cũng hỗ trợ học phí đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi đáp ứng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo với mức chi hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Nhân Chinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, cho biết, với việc ban hành Nghị quyết số 05, Bắc Ninh đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chính sách hỗ trợ cho công tác giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn.

"Nghị Quyết 05 có hiệu lực từ ngày 10/7, dự kiến sẽ rà soát từ ngày 1/9 đến ngày 20/10 sẽ có kết quả. Đây là nghị Quyết riêng của tỉnh Bắc Ninh, với quan điểm là chăm lo cho người dân và doanh nghiệp", ông Chinh nói.

Ông Nguyễn Nhân Chinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Vietnamnet)
Ông Nguyễn Nhân Chinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Vietnamnet)

Được biết, hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 13 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 17 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 8 cơ sở khác có hoạt động liên quan đến giáo dục nghề nghiệp. Trong số đó, có hai trường cao đẳng đang đào tạo nghề chất lượng cao là Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh và Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.

Bắc Ninh là một tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng và là một phần của tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tỉnh này nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và phát triển kinh tế trong khu vực. Với diện tích 822,7km², Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất trong cả nước.

Mộng Kha

Theo Chất lượng và cuộc sống