Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sắp có cầu vượt sông hơn 2.000 tỷ kết nối với Hải Dương

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn 2 đầu cầu kết nối Hải Dương với tỉnh nhỏ nhất Việt Nam có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Nhằm triển khai hiệu quả Dự án xây dựng cầu Kênh Vàng và đường hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, với tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng thêm vốn, tổng vốn đầu tư 2.182,6 tỷ đồng, mức tăng chênh lệch so với tổng đầu tư ban đầu là 592,6 tỷ đồng (tổng mức đầu tư cũ là 1.590 tỷ đồng).

Vị trí sẽ xây dựng cầu Kênh Vàng kết nối tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương. Ảnh: Internet
Vị trí sẽ xây dựng cầu Kênh Vàng kết nối tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương. Ảnh: Internet

Dự án có vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương hỗ trợ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 900 tỷ đồng. Phần còn lại được đầu tư từ ngân sách địa phương và các nguồn khác (nếu có).

Trong đó, ngân sách đầu tư công của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025 dành cho giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Hải Dương là 519,134 tỷ đồng.

Cầu Kênh Vàng bắc qua sông Thái Bình. Ảnh: Internet
Cầu Kênh Vàng bắc qua sông Thái Bình. Ảnh: Internet

Ngân sách đầu tư công của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 là 372 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 391,477 tỷ đồng. Nghị quyết cũng điều chỉnh mặt cắt ngang nền đường và thời gian thực hiện từ năm 2022-2025 thành từ năm 2022-2027.

Trước đó, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 366/NQ-HĐND ngày 10/05/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, với tổng kinh phí gần 1.600 tỷ đồng.

Dự án này do Ban Quản lý dự án (BQLDA) xây dựng giao thông Bắc Ninh làm chủ đầu tư, được thực hiện từ năm 2022-2025.

Phối cảnh cầu Kênh Vàng trong tương lai. Ảnh: Internet
Phối cảnh cầu Kênh Vàng trong tương lai. Ảnh: Internet

Các hạng mục chính của dự án bao gồm xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu với chiều dài tuyến khoảng 13,4km. Điểm đầu tại Km0+00 giao với Quốc lộ 17 tại Km27+600 thuộc địa phận huyện Gia Bình, và điểm cuối tại Km13+400 giao với Quốc lộ 37 tại Km77+400 thuộc địa phận tỉnh Hải Dương.

Cầu Kênh Vàng có chiều dài khoảng 740m, bề rộng dự kiến 23,5m, được thiết kế quy mô vĩnh cửu, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực.; đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài 12,6km, mặt đường rộng 15m.

Dự án cầu Kênh Vàng sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối Bắc Ninh và Hải Dương, tạo tiền đề thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh, đảm bảo giao thông thông suốt, giảm thời gian đi lại của người dân; đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh giữa hai tỉnh.

Gói thầu số 14, xây dựng cầu Kênh Vàng và đoạn tuyến từ điểm đầu Km0+00 đến Km6+625,44 (thuộc địa phận huyện Gia Bình, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh và huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), có giá trị 977,719 tỷ đồng, được mở thầu ngày 18/8/2024.

Trong quý III/2024, gói thầu số 15, xây dựng đoạn tuyến từ Km6+625,44 đến Km13+396,23, có giá trị 418,093 tỷ đồng, cũng sẽ được tổ chức đấu thầu.

Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất Việt Nam với diện tích chỉ 822,7km2. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bắc Ninh đạt 5,44 triệu đồng/người/tháng, đứng thứ 5 toàn quốc.

Hải Dương là tỉnh "án ngữ" ở vị trí trung tâm của ĐBSH, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hải Dương cũng là tỉnh duy nhất nằm trong Vùng thủ đô nhưng không sát kề Thủ đô.

Tốc độ tăng trưởng của Hải Dương trong 6 tháng đầu năm đang có nhiều "điểm sáng" khi đứng thứ 7 cả nước, ngành công nghiệp tiếp tục là ngành mũi nhọn của tỉnh.

Hải Đăng

Theo Chất lượng và cuộc sống