Tỉnh đông dân nhất Việt Nam chi 435 tỷ đồng 'nâng cấp' đường kết nối đến 'đầu tàu công nghiệp' trọng điểm

Tỉnh này mới đây đã phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường huyết mạch kết nối đến 'đầu tàu' công nghiệp với tổng mức đầu tư 435 tỷ đồng.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3233/QĐ-UBND phê duyệt Dự án nâng cấp, mở rộng đường Bắc Nam 1B và đường Bắc Nam 2 (đoạn từ Quốc lộ 1A tại phường Xuân Lâm đến nút giao với đường Bắc Nam 1B) - Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 435 tỷ đồng.

Theo đó, mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch, nâng cao năng lực vận tải, lưu thông hàng hóa, và tạo điểm nhấn về cảnh quan môi trường trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa là chủ đầu tư của dự án.

Tỉnh Thanh Hóa chi 435 tỷ đồng 'nâng cấp' và mở rộng đường Bắc Nam 1B và đường Bắc Nam 2. Ảnh minh họa
Tỉnh Thanh Hóa chi 435 tỷ đồng 'nâng cấp' và mở rộng đường Bắc Nam 1B và đường Bắc Nam 2. Ảnh minh họa

"Tuyến đường huyết mạch" được triển khai xây dựng thuộc các phường gồm: Xuân Lâm, Hải Bình, Tĩnh Hải, Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn với diện tích sử dụng đất khoảng 30ha; dự án thuộc loại B, công trình giao thông cấp 2.

Đường Bắc Nam 2: Đoạn từ Quốc lộ 1A tại phường Xuân Lâm đến nút giao với đường Bắc Nam 1B, dài 7,6km.

Quy mô nền đường 36m, mặt đường 21m (2x10,5m), dải phân cách giữa 3m, vỉa hè 12m (2x6m). Công trình sẽ mở rộng mặt đường thêm 7m (2x3,5m), hoàn thiện dải phân cách giữa, lát vỉa hè và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Điểm đầu của tuyến đường tại Km0+00 giao với Quốc lộ 1A tại Km369+400; điểm cuối tại Km7+606,09 giao với đường Bắc Nam 1B. Tổng chiều dài tuyến là 7.606,09m.

Đường Bắc Nam 1B: Đầu tư hoàn thiện đoạn dài 2,9km với quy mô nền đường 36m, mặt đường 21m (2x10,5m), giải phân cách giữa 3m, vỉa hè 12m (2x6m). Công trình sẽ mở rộng mặt đường thêm 7 m (2x3,5m), hoàn thiện giải phân cách giữa.

Điểm đầu tại Km0+00 giao với đường Bắc Nam 2 tại Km7+609 thuộc địa phận xã Tùng Lâm; điểm cuối tại Km2+960,09 giao với ĐT.513 thuộc xã Mai Lâm. Tổng chiều dài tuyến là 2.960,09m.

Thanh Hóa là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 cả nước chỉ trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Internet
Thanh Hóa là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 cả nước chỉ trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Internet

Dự án có tổng mức đầu tư 435 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương năm 2022 bổ sung để đầu tư cho tỉnh Thanh Hóa (theo Quyết định số 1491/QĐ-TTg ngày 29/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 đến năm 2025.

Sở Xây dựng và Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thẩm định và nội dung trình phê duyệt dự án.

Các đơn vị này sẽ triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành về đầu tư xây dựng và báo cáo thẩm định.

Khu Kinh tế Nghi Sơn được xem là "đầu tàu công nghiệp" của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Internet
Khu Kinh tế Nghi Sơn được xem là "đầu tàu công nghiệp" của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Internet

UBND thị xã Nghi Sơn sẽ tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật; Đồng thời giao Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn; BQLDA đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành.

Với dân số 3,72 triệu người (theo số liệu năm 2022), Thanh Hóa là tỉnh đông dân nhất Việt Nam, chỉ đứng sau hai thành phố trực thuộc trung ương là TP. HCM và TP. Hà Nội.

Khu kinh tế Nghi Sơn nằm ở phía Nam của tỉnh Thanh Hóa, là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là công nghiệp nặng, có tác động lan tỏa thúc đẩy vùng phụ cận phát triển.

Vài năm trở lại đây Khu kinh tế Nghi Sơn - "đầu tàu công nghiệp" của tỉnh Thanh Hóa, cùng các khu công nghiệp đã trở thành "đòn bẩy" phát triển công nghiệp; là "cực" tăng trưởng của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở tỉnh đông dân nhất Việt Nam.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống