Tỉnh nhỏ sắp lên thành phố Trung ương, 'dọn tổ' đón thêm 31 cụm công nghiệp mới
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh nhỏ bé này sẽ có 47 cụm công nghiệp.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 06/02/2023 đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quy hoạch phát triển mới 31 cụm công nghiệp, đưa tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 47 cụm. Đến năm 2050 toàn tỉnh có 51 cụm công nghiệp.
Về phát triển các khu công nghiệp, đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp mới, để có 24 khu công nghiệp được quy hoạch. Quy hoạch nêu rõ, phát triển thành lập mới thêm các khu công nghiệp trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.
Nhu cầu phát triển các khu công nghiệp sau năm 2030 với quy mô 7.000ha và tầm nhìn đến năm 2050 lên quy mô 10.000ha trong đó, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp mới dọc theo các trục giao thông huyết mạch như: Cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đường Vành đai 4, Vành đai 5.
Đến năm 2030 tỉnh Vĩnh Phúc sẽ sở hữu 47 cụm công nghiệp
Trước đó, ngày 5/3, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, cùng đại diện một số bộ, ngành của trung ương tham dự hội nghị.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh, quy mô 1.236km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (2 thành phố và 7 huyện); phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang; phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ; phía Đông và Nam giáp thành phố Hà Nội.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, phát triển bền vững; là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong vùng Đồng bằng sông Hồng; người dân có cuộc sống chất lượng cao, ấm no, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống...
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống; quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...
10 tỉnh thành có diện tích nhỏ nhất cả nước lần lượt là Bắc Ninh (822,7km2), Hà Nam (860,5km2), Hưng Yên (926km2), Vĩnh Phúc (1.238,6km2), Đà Nẵng (1.285,4km2), Ninh Bình (1.378,1km2), Cần Thơ (1.409km2), Vĩnh Long (1.475km2), Hải Phòng (1.527,4km2) và Thái Bình (1.570,5km2).
Trong số 10 tỉnh thành, hiện nay đã có 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng (lên năm 1976), Đà Nẵng (lên năm 1997) và Cần Thơ (lên năm 2004).