Tỉnh sắp lên TP trực thuộc Trung ương 'bứt phá' lên top 2 về tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2024
Nửa đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của địa phương này ước tính tăng 12,73% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Cục Thống kê Khánh Hòa, trong 5 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 trên nhiều lĩnh vực. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 49,11% so cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 51.088,7 tỷ đồng, tăng 16,3%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được 884 triệu USD, tăng 24,8% so cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động du lịch được 19.933,8 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm trước; thu ngân sách Nhà nước đạt 7.995,5 tỷ đồng, bằng 47,9% dự toán và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa là 6.415,9 tỷ đồng, bằng 43,9% dự toán và tăng 12,4% cùng kỳ năm trước…
Sang đến tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh ước tính, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Khánh Hòa ước tính tăng 12,73% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Khánh Hòa sẽ đứng thứ 2 cả nước về tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 46%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 62.585,4 tỷ đồng, tăng 15,2%. Doanh thu du lịch ước đạt 27.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, với khoảng 3 triệu lượt khách quốc tế lưu trú, tăng 3,3 lần. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 17%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 626,7 triệu USD, tăng 8,8%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.851 tỷ đồng, đạt 53% dự toán và bằng 116,2% cùng kỳ năm trước.
Về kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương; triển khai những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai các quy hoạch của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu, nhất là các quy hoạch phân khu tại Khu Kinh tế Vân Phong và trên địa bàn đô thị mới Cam Lâm. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất theo phân cấp, đúng thẩm quyền quy định.
UBND tỉnh cũng xác định tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đập ngăn mặn Sông Cái Nha Trang; dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang...
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, địa phương này đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Mục tiêu của Khánh Hòa là định hướng đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại I - thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 (nguồn vốn đầu tư toàn xã hội) dự kiến khoảng 1.299.000 tỷ đồng (tương đương gần 53 tỷ USD).