Toàn cảnh cây cầu vòm thép 1.900 tỷ đồng cao nhất Việt Nam, mang hình tượng rồng thời Lý uốn lượn như hình chữ S
Nhìn từ trên cao, vòm thép của cây cầu hiện ra như thân rồng cuồn cuộn bắc qua dòng sông Đuống thơ mộng.
Cầu Kinh Dương Vương bắc qua sông Đuống nằm tại ranh giới giữa huyện Thuận Thành và Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông kết nối khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống của tỉnh, liên kết với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Dự án cầu bắt đầu được khởi công vào đầu năm 2018 với tên gọi là cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành. Vào ngày 11/10/2023, cầu đã chính thức được đưa vào sử dụng. Trước khi đó, vào ngày 5/10/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã quyết định đổi tên dự án thành cầu Kinh Dương Vương, theo tên của Kinh Dương Vương - vị vua nước Xích Quỷ trong truyền thuyết Việt Nam, được coi là Thủy tổ của người Bách Việt. Khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương nằm ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, không xa vị trí của cầu.
Cầu Kinh Dương Vương có chiều dài 1.232m và tổng kinh phí đầu tư là hơn 1.900 tỷ đồng. Với 25 nhịp, kiến trúc của cầu được thiết kế với 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý, với thân rồng cuốn theo hình chữ S mềm mại, uyển chuyển trên sóng nước. Giữa đỉnh vòm là đầu cặp rồng cất cao, đối xứng nhau qua hòn ngọc tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Mỗi thân rồng có 12 vây tượng trưng cho 12 tháng mưa thuận gió hòa trong năm. Đây là thiết kế đạt giải Nhất do Liên danh Công ty TNHH Đầu tư VTCO và WSP (Phần Lan) thiết kế trong cuộc thi tuyển kiến trúc công trình cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành do Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Ninh tổ chức vào năm 2016.
Cấu trúc của cầu bao gồm dầm bê tông chịu lực kết hợp với vòm thép dây cáp treo. Trong đó, 5 nhịp chính sử dụng vòm thép kết hợp với cáp treo và dầm bê tông chịu lực.
Với 2 vòm thép có chiều cao 40-67m, cầu Kinh Dương Vương là cây cầu vòm thép cao nhất Việt Nam. Để thi công hạng mục nhịp vòm thép, nhà thầu thậm chí đã phải huy động cần cẩu nặng 800 tấn từ miền Nam, di chuyển khoảng một tháng bằng đường thủy.
Mặt cầu được chia thành 4 làn đường, mỗi chiều có 2 làn, được phân cách bằng các bức tường chắn cứng. Các vòm thép uốn lượn phía trên chạy chéo qua cả hai bên của cầu.
Khi đi vào hoạt động, cầu Kinh Dương Vương đã giảm áp lực cho cầu Hồ, một điểm thường xuyên bị kẹt xe, tạo liên kết với quốc lộ 1, quốc lộ 17 và quốc lộ 18...
Ngoài ra, cầu Kinh Dương Vương còn cải thiện mạng lưới giao thông kết nối giữa Bắc Ninh với các địa phương như Thủ đô Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, và Hải Dương.
Dự án này cũng đóng vai trò trong việc liên kết các khu di tích lịch sử ở vùng phía nam của sông Đuống như lăng Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp với các di tích ở phía bắc sông Đuống như chùa Phật Tích và đền Đô...
Nguồn ảnh: Dân Trí