Tôm xuất Mỹ có thể chịu thuế tới 75%, DN lo mất thị trường 2 tỷ USD
Bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, cho rằng ngành thuỷ sản không chỉ chịu mức thuế 46%. Một số sản phẩm như tôm còn phải chịu thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá, nên ước tính mức thuế tối đa phải chịu khi xuất khẩu sang Mỹ lên tới gần 75%.
Doanh nghiệp gỗ, thủy sản, dệt may đối diện loạt thách thức
Chia sẻ tại toạ đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Hoa Kỳ” ngày 8/4 do báo Tiền phong tổ chức, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết trong những ngày qua, các doanh nghiệp ngành gỗ đã rất “sốc” với chính sách thuế quan của Mỹ. Với chính sách này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải hứng chịu thiệt hại kép.
Trước hết, từ 1/3, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi xướng điều tra việc áp thuế, hạn ngạch nhập khẩu với mặt hàng đe doạ an ninh quốc phòng Mỹ, trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam với tổng giá trị khoảng 800 triệu USD giá trị hàng hoá.
Tiếp theo, từ 9/4, các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế cơ bản 10% và thuế suất đối ứng tối đa đến 46%. Ông Hoài nhận định đây là mức thuế rất cao, các sản phẩm từ gỗ không thể có biên lợi nhuận đủ lớn để có thể chịu đựng được.
Do đó chính sách thuế này là đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp gỗ khi Việt Nam hiện là quốc gia hàng đầu về chế biến, sản xuất gỗ, chỉ xếp sau Trung Quốc. Việt Nam chiếm 38% - 40% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ của Mỹ. Đơn cử năm 2024, Việt Nam chiếm 9,4 tỷ USD trong 23 tỷ USD tổng giá trị mặt hàng gỗ được Mỹ nhập khẩu.
“Hiện Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ có chế biến xuất khẩu gỗ vào Mỹ, hơn 1 triệu hộ nông dân đang trồng rừng nguyên liệu cho xuất khẩu gỗ bị ảnh hưởng”, ông Ngô Sỹ Hoài nói thêm.

Tương tự, theo ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh văn phòng HĐQT, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngành dệt may là một trong 3 mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ với tổng giá trị 16,2 tỷ USD vào năm 2024. Thị trường Mỹ chiếm 35%-40% thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam, tăng trưởng tương đối đều đặn từ năm 2015 đến nay, trung bình xấp xỉ 6% một năm.
Ông Cầm cũng đồng ý rằng chính sách thuế của Mỹ tương đối bất ngờ đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, vượt xa các dự báo, gây ra tác động rất lớn. Cụ thể, nếu việc áp thuế thành hiện thực, giá sản phẩm dệt may tại Mỹ dự kiến tăng 17% trong ngắn hạn, khiến nhu cầu mua sắm của người dân Mỹ suy giảm. Hiệp hội Giầy dép và thời trang Mỹ cũng đánh giá ngành dệt may chịu mức thuế cao hơn gấp 5 lần so với các mặt hàng tiêu dùng khác. Do đó, dệt may sẽ là mặt hàng hoá tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nhất.
“Trong ngắn hạn, xuất khẩu dệt may đi Mỹ chắc chắn sẽ giảm do nhu cầu suy giảm”, ông Cầm nhấn mạnh.

Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký, chia sẻ rằng với các doanh nghiệp ngành thuỷ sản, hiện các lô hàng đang trên đường đến Mỹ ước tính khối lượng khoảng 40.000 tấn. “Hiện các doanh nghiệp đang không rõ thời điểm này có bị áp mức thuế suất đối ứng đến 46% hay không”, bà Hằng lo lắng.
Đáng chú ý, bà Hằng nhận định ngành thuỷ sản không chỉ chịu mức thuế 46%, bởi sản phẩm tôm còn phải chịu thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá, nên ước tính mức thuế tối đa phải chịu khi xuất khẩu sang Mỹ lên tới gần 75%.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đang rất lo lắng với các hợp đồng đã ký kết, bởi dừng xuất hàng sẽ phải bồi thường mà xuất hàng thì bị áp thuế cao.
“Có thể doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ mất thị phần tại thị trường Mỹ, vốn chiếm khoảng 20%, giá trị xấp xỉ 2 tỷ USD”, bà Hằng quan ngại.
Doanh nghiệp Việt có thể thích ứng dài hạn
Mặc dù các khó khăn rất lớn, nhưng theo các chuyên gia, thị trường vẫn có những tín hiệu lạc quan, đặc biệt là khả năng Chính phủ Việt Nam có thể đàm phán với chính phủ Mỹ về mức thuế thấp hơn.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới tiêu thụ gỗ của Mỹ với tổng giá trị nhập khẩu năm 2024 đạt 323 triệu USD, trong đó 300 triệu USD là gỗ tròn, gỗ xẻ, 23 triệu USD là một số đồ gỗ mộc. Ngoài ra, rất nhiều đồ gỗ của Việt Nam xuất qua Mỹ mà trong thành phần có các nguyên liệu gỗ từ Mỹ.
Ông Hoài cho biết Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng đã gửi ý kiến đến Chính phủ đề xuất riêng khoản 23 triệu USD đồ mộc nhập từ Mỹ cắt giảm thuế về bằng 0 ngay lập tức nhằm thể hiện thiện chí.
Ngoài ra, ông Hoài cũng cho rằng, hiện gỗ của Việt Nam đang xuất khẩu gỗ đi các nước chủ yếu gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là viên nén gỗ, dăm gỗ, Trung Quốc chủ yếu dăm gỗ, còn lại Mỹ là thị trường lớn nhất với đồ mộc, đồ nội thất nhóm có giá trị cao.
“Cần nghiên cứu thị trường của Nhật Bản, Hàn Quốc, thay vì chỉ xuất khẩu đồ gỗ, bàn ghế, nội thất riêng lẻ thì có thể đưa sang cả không gian sống, nhận thầu cả một cung điện, toà nhà cao cấp, đưa toàn bộ công nhân cũng như nguyên liệu qua Nhật Bản để thi công”, ông Hoài gợi ý.

Ông Hoàng Mạnh Cầm cũng lạc quan cho rằng mặc dù trong ngắn hạn, thị trường Mỹ sẽ giảm cầu rất lớn nhưng về dài hạn, ngành hàng dệt may vẫn có nhiều chỉ số tích cực.
Cụ thể, ở nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Donald Trump chỉ đánh thuế Trung Quốc, dẫn đến làn sóng dịch chuyển sản xuất. Song với chính sách hiện nay của ông Trump, sự dịch chuyển không còn mạnh mẽ nữa vì các nước như Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ… đều bị đánh thuế.
Ngoài ra, tay nghề của người lao động Việt Nam khá tốt, chi phí nhân công thấp, mức độ ổn định về xã hội chính trị cao hơn rất nhiều quốc gia đối thủ.
Bên cạnh đó, để dịch chuyển được đơn hàng lớn, doanh nghiệp cần phải đầu tư chi phí lớn để xây dựng hạ tầng, nhà máy, thời gian cần ít nhất 1-2 năm.
Chưa kể, chính sách thuế đối ứng của Mỹ hướng đến 3 mục tiêu là cân bằng thương mại, khôi phục sản xuất nội địa, tạo công ăn việc làm và đảm bảo an ninh. Trong khi đó, hiện 97% lượng hàng hoá của Mỹ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu mà ngành dệt may của Mỹ thế mạnh tập trung vào thiết kế, marketing và chỉ khoảng 100.000 lao động trong ngành là không đủ đáp ứng.
“Với việc các nguyên phụ liệu phải nhập khẩu, ngành sản xuất dệt may trong nước của Mỹ khó có thể tự chủ và bù đắp nhập khẩu trong ngắn hạn”, ông Cầm kết luận.