Top 3 ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất thuộc về ngân hàng nào?
Tính đến hết tháng 9/2020, BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong số 28 ngân hàng khi đạt 40.220 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê từ 28 ngân hàng, vốn điều lệ của các ngân hàng không có quá nhiều biến động trong 9 tháng đầu năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm, có 10 ngân hàng tăng vốn điều lệ gồm MB (24.370 tỷ đồng); ACB (21.615 tỷ đồng); OCB (8.767 tỷ đồng); SHB (17.558 tỷ đồng); LienVietPostBank (9.769 tỷ đồng); SeABank (10.681 tỷ đồng); Bac A Bank (7.085 tỷ đồng); VIB (18%); VietABank (4.474 tỷ đồng); NamABank (4.564 tỷ đồng), riêng Agribank ứớc theo số cuối tháng 6/2020.
Trong đó, SHB là ngân hàng có mức biến động lớn nhất. Tháng 5/2020, Ngân hàng đã phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng, vốn tự có lên gần 34.000 tỷ đồng. Trong đó, từ ngày 17/2/2020 đến ngày 27/4/2020, SHB chào bán thành công gần 300,8 triệu cổ phiếu và trong quý I/2020 SHB đã phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 20,9% của hai năm 2017 và 2018.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9, BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất với 40.220 tỷ đồng. Tiếp đó là các ngân hàng Vietinbank (37.234 tỷ đồng); Vietcombank (37.089 tỷ đồng); Techcombank (35.001 tỷ đồng).
Hiện tại Saigonbank là nhà băng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống ngân hàng với 3.080 tỷ đồng, tiếp theo là Ngân hàng Bản Việt với 3.171 tỷ đồng và KienLongBank với 3.237 tỷ đồng.
Hiện nay trong nhóm các NHTM lớn có vốn Nhà nước, ngoài Agribank việc tăng vốn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn ngân sách, thì 3 ngân hàng còn lại khả năng đẩy nhanh lộ trình tăng vốn đều khá sáng rõ.
Cụ thể, ngoài VietinBank đang gấp rút lấy ý kiến cổ đông để hoàn thiện hồ sơ tăng vốn như trình bày ở trên, thì trong năm 2019 Vietcombank và BIDV cũng đã hoàn tất quá trình phát hành cổ phiếu cho các đối tác ngoại và lần lượt tăng vốn điều lệ lên mức 37.088 tỷ đồng và 40.220 tỷ đồng.
Thống kê của Công ty chứng khoán SSI cho thấy rằng, đến cuối năm 2019 hệ số an toàn vốn (CAR) của Vietcombank và BIDV lần lượt ở mức 8,74% và 9,24% theo chuẩn Basel II. Tuy nhiên, từ đầu 2020 các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cũng đã đặt ra những thách thức về vốn cho các TCTD này. Bởi theo tính toán của SSI với mỗi 1 điểm % nợ xấu tăng thêm, hệ số CAR sẽ giảm từ 0,4 đến 0,8 điểm %. Vì vậy, trong năm 2021 áp lực tăng vốn sẽ vẫn khá mạnh đối với cả BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Ở phía các Ngân hành TMCP, theo giới chuyên môn, giải pháp tăng vốn hiệu quả nhất vẫn là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, bởi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp hiện nay, việc gọi vốn từ các nhà đầu tư mới là không dễ, đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi các cổ đông hiện hữu cũng tỏ ra khá thận trọng đối với việc bỏ thêm vốn…
Từ đầu năm 2020 đến nay hàng loạt các NHTM đã niêm yết trên UPCoM và HNX cũng đã chuyển sang sàn HoSE.
Theo SSI, việc chuyển sàn này một phần có thể do áp lực cạnh tranh, phần khác là do nhu cầu vốn, vì việc niêm yết trên HoSE sẽ cải thiện cơ hội thu hút vốn trong tương lai với định giá tốt hơn. Điều này cũng thúc đẩy nhóm các NHTM chưa hoàn thành tiêu chuẩn Basel II nhanh chóng niêm yết và tăng vốn.
Thực tế trong năm 2020, do áp lực phải triển khai Đề án Cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm, hàng loạt các NHTM quy mô nhỏ như VietCapitalBank, NamABank đã bắt đầu niêm yết trên sàn UPCoM.
Các ngân hàng lớn hơn như: OCB, Maritime Bank, SeABank… cũng đã có kế hoạch niêm yết trực tiếp trên HoSE vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.