TP. HCM tính cách có đủ 25 tỷ USD để làm metro trong 5 năm tới
TP. HCM cần phải thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỷ USD cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị trong vòng 4 - 5 năm tới. Đây là con số khổng lồ so với nguồn lực của ngân sách địa phương.
Theo quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị TP. HCM gồm 8 tuyến đường sắt đô thị; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP. HCM khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỷ USD.
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM, trong 20 năm, TP. HCM mới làm được gần 20 km đường sắt đô thị (tuyến metro số 1). Như vậy, TP. HCM phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại (khoảng 200 km) trong 12 năm tới. Trong đó, công tác chuẩn bị dự án từ 4 - 5 năm và thực hiện dự án trong vòng 7 - 8 năm.
TP. HCM cần phải thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỷ USD cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị trong vòng 4 - 5 năm tới (chậm nhất là vào năm 2028). Trong khi đó, nguồn lực tài chính thực hiện dự án đường sắt đô thị tại TP. HCM hiện nay chủ yếu là vốn vay ODA cùng ngân sách Nhà nước tham gia khoảng 10 - 20%.
Việc đầu tư bằng nguồn vốn ODA càng ngày càng khó khăn do thủ tục, điều kiện vay phức tạp, suất đầu tư cao, phụ thuộc thiết kế, công nghệ... Thành phố hiện đang và sẽ phải đối mặt với áp lực tăng cao của việc trả nợ.
Để làm 200km metro trong 12 năm tới, Ban quản lý đường sắt đô thị TP. HCM cho rằng, cần phải đặt ra bài toán về vốn. Trong đó, với nguồn lực từ ngân sách, có thể huy động thêm nguồn thu từ phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, có thể huy động là xã hội hóa đầu tư, thu hút các nhà đầu tư cùng tham gia phát triển dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Các dự án thành phần có thể xem xét để thực hiện theo hình thức PPP, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân cùng tham gia đầu tư vào phát triển hệ thống đường sắt đô thị, chẳng hạn phát triển tổ hợp thương mại khu nhà ga đường sắt đô thị.