TP trực thuộc tỉnh có mật độ dân số cao thứ 3 Việt Nam sẽ mở rộng diện tích gấp 2,6 lần lên 120km2
Sau khi sáp nhập, thành phố mới sẽ có diện tích mở rộng lên 120km2 (gấp 2,6 lần hiện nay), dân số gần 365.000 người (gấp 1,5 lần).
Sáng ngày 23/7, với 100% đại biểu có mặt đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của ba tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang. Đây là ba địa phương đầu tiên được Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua đề án sắp xếp.
Với tỉnh Nam Định, theo đề án, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mỹ Lộc sẽ được sáp nhập vào TP. Nam Định.
Huyện Mỹ Lộc hiện có diện tích 74km2, dân số 84.000 người với 11 đơn vị hành chính cấp xã. TP. Nam Định có diện tích 46km2, dân số 280.000 người, bao gồm 22 phường và 3 xã. Sau khi sáp nhập, thành phố mới sẽ có diện tích mở rộng lên 120km2 (gấp 2,6 lần hiện nay), dân số gần 365.000 (gấp 1,5 lần) với 22 phường, 13 xã và 1 thị trấn.
TP. Nam Định là 1 trong 3 thành phố trực thuộc tỉnh có mật độ dân số cao nhất Việt Nam với khoảng 5.100 người/km2, xếp sau TP. Dĩ An và TP. Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương.
Thành phố này hiện là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa của tỉnh Nam Định, có vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp giáp với vùng thủ đô Hà Nội, là trung tâm của tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Đây là thành phố cổ thứ hai chỉ sau Hà Nội, có lịch sử xây dựng trước cả Phố Hiến và Hội An, nay đã hơn 760 tuổi.
Tỉnh Nam Định cũng thực hiện sắp xếp 77/226 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp này bao gồm giảm một huyện (còn 9 đơn vị cấp huyện) và giảm 51 xã (còn 42 xã, 8 phường và 1 thị trấn). Tỷ lệ đô thị hóa tăng 4,8% do mở rộng TP Nam Định.
Để giải quyết chế độ cho khoảng 1.100 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp, tỉnh Nam Định đã xây dựng phương án và lộ trình cụ thể, bảo đảm hoàn thành việc giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức trước tháng 9/2029.
Việc sáp nhập và sắp xếp đơn vị hành chính cũng dẫn đến việc dư ra 39 trụ sở hành chính (9 trụ sở cấp huyện và 30 trụ sở cấp xã). Tỉnh Nam Định dự kiến sẽ điều chuyển 9 trụ sở cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng, chuyển giao 28 trụ sở cho địa phương quản lý và xử lý, đồng thời bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 2 trụ sở cấp xã.
Đối với tỉnh Tuyên Quang, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sáp nhập xã Hồng Lạc và xã Vân Sơn thuộc huyện Sơn Dương để thành lập xã Hồng Sơn mới. Xã Hồng Sơn sau khi sáp nhập có diện tích tự nhiên 19km2 và dân số 9.500 người.
Tương tự, tỉnh Sóc Trăng cũng thực hiện sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường 1 vào phường 9 để thành lập phường 1 mới thuộc TP. Sóc Trăng. Phường 1 mới sau khi sáp nhập có diện tích tự nhiên 5,6km2 và dân số gần 17.500 người.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, lộ trình đến ngày 30/9 phải hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại 54 tỉnh thành. Đến nay Bộ mới nhận được hồ sơ của 32 địa phương.
Thành phố Nam Định là 1 trong 3 thành phố trực thuộc tỉnh có mật độ dân số cao nhất Việt Nam với khoảng 5.100 người/km2, xếp sau thành phố Dĩ An và thành phố Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương.