Tranh chấp tại KĐT Goldmark City: CĐT chủ động khắc phục các sai phạm
Thời gian qua, trong nhiều vụ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư tại các dự án chung cư trên cả nước, bất đồng giữa CĐT và BQT dự án Goldmark City là một trong số ít vụ việc hai bên sớm tìm được tiếng nói chung.
Được đưa vào vận hành từ cuối năm 2017, tuy nhiên, đến đầu năm 2019, 04 Ban quản trị tại các tòa nhà gồm R1, R2, R3, R4 thuộc khu A dự án Goldmark City mới được thành lập; ban quản trị khu B (khu Sapphire) ra đời sau đó nửa năm (giữa năm 2020). Tất cả các Ban quản trị đều hoạt động hợp lệ dưới sự chấp thuận của UBND quận Bắc Từ Liêm.
Đối với phần kinh phí bảo trì, tại Kết luận thanh tra số 45/KL-TTr ngày 11/5/2021 ghi rõ: Chủ đầu tư đã hoàn tất việc thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì cho 5 Ban quản trị vào tháng 11/2020. Theo đó, tổng kinh phí bảo trì đối với 02 khu căn hộ đã thu là 256.837.202.206 đồng. Từ ngày 23/04/2019 đến ngày 02/03/2020, kinh phí bảo trì đã bàn giao cho khu KO1 (Khu A) là 121.692.924.902. Ngày 16/09/2020, kinh phí bảo trì đã bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư Sapphire khu KO2 (Khu B) là 135.144.277.304 đồng.
Kết luận thanh tra số 45/KL-TTr cũng chỉ ra Chủ đầu tư và 05 Ban quản trị đã cơ bản thực hiện công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư phù hợp quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định số 30/204/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Trước đó, ngày 18/1/2021, chủ đầu tư đã có văn bản số 21/2021/TB-VH gửi Sở Xây dựng TP. Hà Nội thông báo về việc mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì.
Riêng với việc sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung, phần diện tích làm dịch vụ, Chủ đầu tư đã thống nhất với Ban quản trị phương án xin thay đổi công năng từ cơ quan chức năng và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19 nên việc tiếp xúc, làm việc với các cơ quan chức năng bị chậm trễ. Vấn đề này, đại diện Chủ đầu tư cho biết sẽ cố gắng giải quyết trong thời gian sớm nhất, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên: Chủ đầu tư và cư dân.
Có thể thấy, các tranh chấp diễn ra tại các dự án nhà chung cư xuất phát từ thực tế khách quan vì đây là mô hình nhà ở còn khá mới tại Việt Nam (xuất hiện sau khi Luật Đất đai 1993 được sửa đổi cơ bản vào năm 1998 và có hiệu lực từ 01/01/1999). Với một mô hình mới, tất yếu xuất hiện mối quan hệ mới, trong đó không tránh khỏi những xung đột, tuy nhiên bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản, quy định, chế tài để quản lý mô hình này của các cơ quan chức năng, mỗi bên (cư dân và chủ đầu tư) nếu thực sự có thiện chí trong việc tìm kiếm giải pháp, mọi vấn đề đều sẽ được giải quyết.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy số các dự án có tranh chấp chiếm từ 11-15% tổng dự án. Đơn cử tại Hà Nội có 845 (cụm, tòa) chung cư thương mại thì có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện. Tại TP.HCM, trong số 935 chung cư cao tầng, 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau.
Nhìn chung, các bất đồng chủ yếu xoay quanh các vấn đề như sở hữu chung - riêng, cách xác định diện tích căn hộ và chuyển giao phí bảo trì chung cư. Một số ít các dự án liên quan đến vấn đề phí dịch vụ, “sổ hồng” của căn hộ,…