Trao quyền cho các tổ chức tín dụng tự cơ cấu thời gian vay và trả nợ của khách hàng

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 02/TT-NHNN ngày 23/4/2023 giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 và Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Thông tư có hiệu lực từ 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024, trong đó quy định các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính.

Trao quyền cho các tổ chức tín dụng tự cơ cấu thời gian vay và trả nợ của khách hàng - Ảnh 1

Thông tư 02/TT-NHNN giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho khách hàng.

Chia sẻ với báo chí, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Thông tư số 02 quy định đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Đồng thời, giao quyền tự chủ cho các TCTD trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như: doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Mục đích ban hành thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trả lời câu hỏi về việc khi áp dụng thông tư này, các TCTD sẽ phải làm gì để có thể giảm thiểu các rủi ro nợ xấu tiềm ẩn, bà Giang nhấn mạnh, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Tuy nhiên, về giác độ của TCTD thì các TCTD vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng. Các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024.

Ngoài ra, trong quy định của thông tư cũng đã chỉ trách nhiệm của các TCTD trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách”, bà Giang cho biết.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam