Trong 3 tháng, Vietcombank gần 30 lần thông báo rao bán BĐS để thu hồi nợ xấu
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) đang tăng tốc rao bán các tài sản thế chấp để thu hồi nợ xấu với giá khởi điểm từ vài tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng.
Gần đây nhất, ngày 2/12, Vietcombank Đà Nẵng thông báo phát mại tài sản bảo đảm của Công Ty CP Xuân Hưng với giá khởi điểm hơn 20,4 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và nhà ở tại 85 Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng. Lô đất có diện tích 141,5 m2.
Trong tháng 11, Vietcombank cũng liên tục đấu giá tài sản bảo đảm là bất động sản. Cụ thể, ngày 25/11, Vietcombank Đăk Lăk thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm của Doanh nghiệp tư nhân Chiến Liên với giá khởi điểm hơn 970 triệu đồng.
Tài sản bảo đảm gồm QSD đất theo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên thửa đất có diện tích 231m2 trong đó có 75m2 đất ở tại nông thôn; chiều rộng khoảng 10m, chiều dài khoảng 22m. Tài sản bảo đảm còn có Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của ông Ngô Đức Chiến trên thửa đất có diện tích 510m2 trong đó có 75m2 đất ở tại nông thôn; chiều rộng khoảng 16m, chiều dài khoảng 31m. Cả 2 lô này nằm tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.
Cũng trong ngày 25/11, Vietcombank Nghệ An thông báo phát mại tài sản đảm bảo là thửa đất có diện tích 3.150m2 của công ty Xây dựng và Đầu tư 419 với giá khởi điểm 3 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 18/11, Vietcombank Kỳ Đồng thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen với giá khởi điểm chỉ còn hơn 785,4 tỷ đồng, giảm khoảng 300 tỷ đồng so với mức giá Vietcombank đưa ra cách đây gần 1 năm.
Tài sản đấu giá là các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và nhà xưởng của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen Việt Nam; hệ thống thiết bị máy móc sản xuất sợi tại nhà máy (Nhà máy 1 và Nhà máy 2) của Công ty nằm tại số 01 VSIP II, đường số 7 và số 18, đường số 32, thuộc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Tương tự, Vietcombank Quảng Ngãi cũng rao bán bất động sản là cửa hàng cầu Kênh của CTCP Du lịch Quảng Ngãi. Tình trạng là quyền sử dụng đất gồm thửa đất số 177, tờ bản đồ số 6 có diện tích 1.000m2 tại thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi với giá khởi điểm 5,5 tỷ đồng.
Ngoài ra trong tháng 11 còn có Vietcombank Bắc Bình Dương thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Nguyễn Thành Nam. Tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của lô đất có diện tích 2.730,9 m2. Giá khởi điểm hơn 11 tỷ đồng; Vietcombank còn đấu giá tài sản của Công Ty TNHH Hồng Trang giá khởi điểm hơn 2,7 tỷ đồng thửa đất số 94a, tờ bản đồ số 02, diện tích đất 192 m2, mục đích sử dụng đất ở lâu dài tại Thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn.
Tại Vietcombank Bạc Liêu, ngày 1/11, lần thứ 7 thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của CTCP Sản xuất và Thương mại Thiên Tân với giá khởi điểm chỉ còn hơn 10,4 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Lô đất rộng gần 500 m2, là đất ở nông thôn.
Theo công bố thông tin, vào tháng 10, nhà băng này cũng rao bán hàng loạt bất động sản thế chấp để thu hồi nợ xấu.
Điển hình ngày 18/10 thông báo bán tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty CP Đầu tư phát triển Goldfish với giá khởi điểm hơn 10,7 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm phát mại, bán đấu giá là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 331, 345, 355, 365, 347, 354, tờ bản đồ số 14 tọa lạc tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Tài sản hiện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đã kê biên.
Ngày 11/10, Vietcombank Cà Mau rao bán khối tài sản đảm bảo của Công ty XNK Tân Phú là thửa đất có diện tích gần 300 mét vuông tại phường 25 quận Bình Thạnh - TP HCM. Giá khởi điểm được VCB Cà Mau đưa ra cho thửa đất này là hơn 29,6 tỷ đồng.
Theo thống kê trên trang điện tử của Vietcombank, từ tháng 9/2022 đến nay, ngân hàng Vietcombank đã gần 30 lần thông báo rao bán các tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi nợ xấu.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, tính đến 30/9/2022, tài sản đảm bảo tại Vietcombank nắm giữ làm tài sản thế chấp ghi nhận hơn 1,88 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Trong đó, bất động sản thế chấp đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm và chiếm tới 73% tổng tài sản thế chấp. Kéo theo tỷ lệ tài sản thế chấp/dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank ở mức 167%, tương ứng cứ mỗi đồng cho vay được đảm bảo bởi 1,67 đồng tài sản thế chấp và riêng bất động sản thế chấp là 1,23 đồng.
Với lượng bất động sản thế chấp khủng cỡ này, ngân hàng Vietcombank luôn tăng tốc trong việc rao bán các bất động sản thế chấp để thu hồi nợ xấu. Đồng thời, nhà băng này luôn nằm trong top ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất ngành.
Cụ thể, tổng nợ xấu tại Vietcombank tính đến 30/09/2022 tăng đến 47% so với đầu năm, chiếm gần 9.004 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng lên mức hơn 2.313 tỷ đồng, cao gấp 3 lần đầu năm và nợ có khả năng mất vốn tăng 30% lên gần 5.731 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay tăng từ 0,64% đầu năm lên 0,8%.
Như vậy, tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank 9 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát tốt ở mức dưới 1%. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ phản ánh phần nợ xấu hiện rõ và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán. Vậy nếu tính cả những phần nợ “tiềm ẩn” chưa được ghi nhận, thì tỷ lệ nợ xấu của nhà băng sẽ thay đổi thế nào, nếu được ghi nhận vào nội bảng thì những phần nợ này sẽ ảnh hưởng ra sao đến kết quả kinh doanh của nhà băng.
Theo đó, chỉ tiêu ngoại bảng trong báo cáo tài chính của ngân hàng là các cam kết giao dịch hối đoái và nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Các cam kết giao dịch hối đoái chủ yếu là các hợp đồng phái sinh nên rủi ro thấp. Còn nghĩa vụ nợ tiềm ẩn bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác. Cam kết bảo lãnh vay vốn thì nhiều rủi ro hơn các nhiệp vụ L/C, nhưng lại thường chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C lại có rủi ro thấp nhất và cam kết trong bảo lãnh khác nhiều rủi ro hơn L/C.
Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn không được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán mà chỉ được ghi nhận ngoại bảng. Các khoản nợ này được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng.
Tại ‘ông lớn’ Vietcombank, tính đến 30/9/2022, tổng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn ghi nhận tăng tới 32% so với đầu năm, từ 119.369 tỷ đồng lên 157.031 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 37.662 tỷ đồng sau 9 tháng. Trong đó, bảo lãnh vay vốn ghi nhận gần 2.071 tỷ đồng; cam kết trong nghiệp vụ thư tín tăng đến 59% lên mức 103.850 tỷ đồng và bảo lãnh khác tới hơn 51.110 tỷ đồng.
Tỷ trọng ‘bảo lãnh khác’ trong tổng nợ tiềm ẩn ở mức 33% và tỷ trọng ‘nợ tiềm ẩn/cho vay khách hàng’ tính đến 30/9/2022 chiếm 14%, điều này phần nào cho thấy khả năng rủi ro của ngân hàng Vietcombank ở mức tương đối cao.
Như vậy, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ nợ xấu được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán, thì rõ ràng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh nợ xấu cũng như đánh giá được những rủi ro từ các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của ngân hàng. Bởi nợ tiềm ẩn cũng có thể sẽ trở thành nợ thực sự nếu doanh nghiệp vi phạm thỏa thuận.