Hai thái cực của ngân hàng: Lợi nhuận chạm đỉnh, nợ xấu tăng nhanh
Lợi nhuận ngân hàng quý III và 9 tháng năm 2022 lên mức kỷ lục mới. Ở chiều ngược lại, tốc độ gia tăng nợ xấu nhanh hơn, nhất là nợ có khả năng mất vốn… là lời cảnh báo khi bước vào giai đoạn khó khăn cuối năm.
Lãi 9 tháng chạm mốc tỷ USD
Dựa trên số liệu báo cáo tài chính của các ngân hàng đã công bố có thể thấy lợi nhuận có sự phân hoá lớn giữa các nhóm.
Top 3 ngân hàng có lợi nhuận trên dưới 20.000 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD) gồm: Vietcombank vững ngôi số 1 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt gần 24.940 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Thứ 2 là Techcombank với lãi trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 20.800 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Đứng thứ 3 là VPBank khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 19.800 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ.
Trong top đầu còn phải kể đến nhóm các ngân hàng có lợi nhuận vượt trên 10.000 tỷ đồng là MB, VietinBank, BIDV, ACB. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, MB đạt lợi nhuận trước thuế 18.192 tỷ đồng; BIDV đạt 17.676 tỷ đồng, tăng 64,7% so với cùng kỳ; VietinBank đạt 15.765 tỷ đồng; ACB ghi nhận 13.503 tỷ đồng.
Nhóm tiếp theo, có lợi nhuận 9 tháng năm 2022 đạt trên 5.000 tỷ trước hết là các ngân hàng tiệm cậm mốc 10.000 tỷ đồng là: SHB đạt 9.035 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021; HDBank đạt 8.016 tỷ đồng. Ngoài ra có VIB đạt 7.800 tỷ đồng lợi nhuận sau 9 tháng năm 2022 và TPBank có lợi nhuận trước thuế 5.926 tỷ đồng.
Ở nửa dưới bảng xếp hạng là các ngân hàng có lợi nhuận 9 tháng dưới 5.000 tỷ đồng như: Sacombank đạt 4.440 tỷ đồng; SeABank đạt 4.016 tỷ đồng, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, LienVietPostBank lợi nhuận đạt hơn 4.800 tỷ đồng, cán đích lợi nhuận trước thuế của cả năm 2022; Eximbank trong 3 quý đạt lợi nhuận 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm 2022. Cùng với đó, NamABank báo lãi trong 9 tháng đầu năm đạt 1.855 tỷ đồng còn ABBank ghi nhận lãi 1.397 tỷ đồng.
Top cuối là những ngân hàng có lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng chưa tới 1.000 tỷ đồng, cụ thể gồm: Bản Việt 423 tỷ đồng; BacABank 715 tỷ đồng; PGBank 387 tỷ đồng; Saigonbank 236 tỷ đồng.
Ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi là trường hợp của OCB, Kienlongbank và NCB. Ngược lại, ấn tượng tăng trưởng thuộc về 9 ngân hàng có mức tăng lợi nhuận trên 50%: Eximbank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, BIDV, SeABank, VietABank, MB và ACB. Trong đó, Eximbank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 229% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của giới phân tích, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng trong 3 quý đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là nhờ tín dụng bán lẻ tăng trưởng nhanh trên nền tảng vốn huy động rẻ của giai đoạn trước; cùng với các khoản thu lãi, khoản vay cơ cấu Covid-19 của khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh, chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nợ xấu phình to, nợ mất vốn tăng mạnh
Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, hầu hết ngân hàng đều có xu hướng nợ xấu phình to về quy mô sau 9 tháng đầu năm. Đặc biệt nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng mạnh
Với Vietcombank, tổng nợ xấu tăng 47% so với đầu năm, với hơn 9.000 tỷ đồng. Riêng khoản nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 30%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,64% hồi đầu năm lên 0,8%, tỷ lệ dự phòng bao nợ đạt 402%. VietinBank có tổng nợ xấu tăng 23% trong 9 tháng đầu năm, lên mức 17.650 tỷ đồng, đưa tỉ lệ nợ xấu từ 1,3% lên 1,4%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã chiếm 70% trong cơ cấu nợ xấu, tăng mạnh gần 139% so với hồi đầu năm, lên mức hơn 12.410 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của BIDV tại ngày cuối quý III tăng 49% so với đầu năm lên 20.125 tỷ đồng. Trong đó, riêng nợ có khả năng mất vốn đã lên tới 13.130 tỷ đồng, tăng 80% so với hồi đầu năm. Điều này đẩy tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của ngân hàng này tăng từ 1% đầu năm lên 1,35%.
VPBank có nợ xấu cao nhất với hơn 20.000 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 177% từ hơn 2.000 tỷ đồng lên 5.679 tỷ đồng. Phần lớn nợ xấu của VPBank đến từ FE Credit, nợ xấu của ngân hàng mẹ tín đến 30/9 chỉ hơn 8.400 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở dưới 2%.
Ngoài ra, ACB ghi nhận nợ xấu tăng đến 45% so với đầu năm lên 4.056 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng vọt từ 1.379 tỷ đồng lên hơn 3.190 tỷ đồng, tương đương tăng 131%. Tỷ lệ nợ xấu, theo đó, tăng từ 0,78% đầu năm lên 1,01%, mức cao nhất từ năm 2018 đến nay. Con số nợ xấu tăng trên 30% so với thời điểm 31/12/2021 xuất hiện ở MB còn nợ xấu tại các ngân hàng còn lại như Techcombank, HDBank, LienVietPostBank... đều tăng từ 13% đến 21%.
Diễn biến gia tăng nợ xấu ở nhóm ngân hàng nhỏ được chú ý về tốc độ. Tại VietBank, tính đến ngày 30/9, tổng nợ xấu tăng 35% so với đầu năm với con số tuyệt đối 2.486 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi, lên tới 1.841 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cũng theo đó tăng từ 3,65% đầu năm lên 4,33%. ABBank nợ xấu đến 30/9 là gần 1.896 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm; trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 1.207 tỷ đồng, tăng 40%; tỷ lệ nợ xấu của ABBank là 2,35%.
Saigonbank tới cuối quý III, tổng nợ xấu lên mức hơn 391 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng hơn 30% lên mức hơn 253 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,97% đầu năm lên 2,13%. VietCapital Bank đến ngày 30/9, nợ xấu là 798 tỷ đồng, tăng 13,8% so với đầu năm. Đáng chú ý, tốc độ tăng của nợ xấu phải trích lập dự phòng trong 9 tháng đầu năm của ngân hàng này có xu hướng tăng nhanh hơn so với tăng trưởng dự nợ bình quân.
Điều đáng nói, nợ xấu được dự đoán sẽ tiếp tục tăng khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022. Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh xấu đi của doanh nghiệp, việc tăng cường kiểm soát tín dụng bất động sản, sự đi xuống của chứng khoán và bất ổn trái phiếu cũng là nguyên nhân đẩy nợ xấu ngân hàng tăng lên trong quý cuối năm 2022.