Trung Quốc ra lệnh cấm, Masan High-Tech Materials chờ phản ứng thị trường toàn cầu

MHT cho biết sẽ theo dõi những chỉ số mới xuất hiện sau lệnh cấm của Trung Quốc để đánh giá tác động tích cực mà MHT có thể tận dụng.

Trong cuộc họp nhà đầu tư được tổ chức mới đây, ban lãnh đạo Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đã có những chia sẻ mới nhất sau khi Trung Quốc có “đòn trả đũa” đối với Mỹ.

Theo đó, chỉ trong một vài ngày trước đó, Trung Quốc đã thiết lập các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới có hiệu lực ngay lập tức đối với hơn 20 sản phẩm kim loại và các công nghệ liên quan, bao gồm Vonfram, một loại khoáng chất quan trọng thường được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp và quốc phòng và Bismuth, được sử dụng trong chất hàn, hợp kim, phụ gia luyện kim, thuốc và nghiên cứu nguyên tử.

Ban lãnh đạo Masan cho rằng lệnh cấm này của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới một cơ số doanh nghiệp kinh doanh Vonfram và Bismuth trên thế giới, trong đó Masan High-Tech Materials (MHT) sẽ có lợi thế nhất định.

“Chúng tôi sẽ theo dõi những chỉ số mới xuất hiện sau lệnh cấm của Trung Quốc để đánh giá tác động tích cực mà MHT có thể tận dụng, đồng thời xem xét ảnh hưởng của điều này đến hoạt động kinh doanh của MHT trong năm 2025”, ban lãnh đạo MHT cho biết.

Trung Quốc ra lệnh cấm, Masan High-Tech Materials chờ phản ứng thị trường toàn cầu - Ảnh 1

Hiện tăng trưởng doanh số LFL (like for like) mục tiêu của MHT cho năm 2025 là 3-19% sau khi tách H.C.Stark, doanh thu dự kiến đạt 6.487 tỷ đồng – 7.487 tỷ đồng, lợi nhuận kỳ vọng cải thiện nhờ giá hàng hoá tăng. Theo ban lãnh đạo, kế hoạch này chưa tính đến tất cả khả năng gia tăng giá trị sản phẩm sau lệnh cấm của Trung Quốc. MHT đang có một mỏ kim loại với trữ lượng lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Ngoài ra, một tín hiệu tích cực từ MHT được ban lãnh đạo tiết lộ là việc chốt được hợp đồng với một bên mua ở Việt Nam nhằm giải quyết lượng tồn kho 42.000 tấn trong năm 2025. Đây là khối lượng đồng tồn kho mà MHT đang nỗ lực xử lý trong thời gian qua.

“Để tối ưu hoá hiệu quả vận hành, chúng tôi đã nghĩ đến nhiều phương án, bao gồm một hợp đồng với nhà thầu khai thác, khoản và nổ mìn với mức giảm đến 10% chi phí khai thác so với các thoả thuận trước đó”, ban lãnh đạo MHT cho biết.

Theo đó, trong năm 2025, MHT tự tin về tiềm năng trưởng của doanh nghiệp, cùng với sự trợ lực từ tình hình kinh tế vĩ mô và lệnh cấm xuất khẩu một số kim loại của Trung Quốc. MHT có khả năng sẽ mở rộng hoạt động nổ mìn để gia tăng tỷ lệ khai thác khoáng sản sau khi hoạt động tiếp cận, khai thác quặng tại các khu vực mở khá chậm trễ trong năm 2024 do ảnh hưởng của cơn bão Yagi và thách thức do gián đoạn dịch vụ nổ mìn tại công ty Nui Phao Mining.

Ở thời điểm cuối năm 2024, MHT thông báo đã hoàn tất thành công việc bán 100% H.C.Stark Holding GmbH cho Mitsubishi Materials Corporation với giá mua 134,5 triệu USD. Giao dịch bao gồm thoả thuận bao tiêu APT và oxit Vonfram giữa MHT và H.C.Stark. Tiền thu được từ giao dịch sẽ giúp giảm nợ của MHT từ khoảng 670 triệu USD xuống còn 490 triệu USD.

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu MHT đã ghi nhận 2 phiên tăng trần liên tiếp, đà tăng lên tới gần 28% nhờ biên độ dao động lớn. Từ mức 11.200 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 5/2), cổ phiếu MHT đã tăng lên mức 14.700 đồng/cổ phiếu khi kết phiên 7/2. Tín hiệu tích cực này cũng được ghi nhận ở nhiều cổ phiếu của những công ty khai thác khoáng sản được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Hải Đường

Theo Vietnamfinance