Trước khi bị khởi tố, ‘trùm cuối’ đội lái cổ phiếu KDM là ai?
Ông Nguyễn Khánh Toàn (sinh năm 1979), người bị cáo buộc cầm đầu đường dây thao túng thị trường chứng khoán với cổ phiếu KDM từng tham gia điều hành một doanh nghiệp đình đám khác khác trên sàn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên (TP. Hà Nội) mới đây đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam với Nguyễn Khánh Toàn vì hành vi Thao túng thị trường chứng khoán.
Vai trò của ông Nguyễn Khánh Toàn trong “đội lái” cổ phiếu KDM
Kết quả ban đầu cho thấy, ông Nguyễn Khánh Toàn cùng một nhóm đối tượng tìm mua những “xác doanh nghiệp” trên thị trường chứng khoán, sau đó làm gian dối báo cáo tài chính và hoạt động của doanh nghiệp để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Tiếp đến, nhóm này sử dụng nhiều tài khoản để mua bán nội nhóm, nâng giá cổ phiếu và bán ra thị trường nhằm thu lợi bất chính.
Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 12/2021, ông Toàn đã chỉ đạo nhân viên Công ty Chứng khoán Trí Việt sử dụng 20 tài khoản để liên tục mua bán mã chứng khoán KDM để tạo cung cầu giả, thu lợi gần 10 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, KDM là mã chứng khoán từng bị thao túng giá giai đoạn từ tháng 3/2016 đến tháng 4/2017. Ông Hoàng Minh Tú (Long Biên) bị xử phạt 550 triệu đồng khi dùng 32 tài khoản để “lái giá” cổ phiếu này.
Giống như phương thức từng được “đội lái” Louis, cầm đầu là ông Đỗ Thành Nhân sử dụng với cổ phiếu BII, KDM liên tục được “thay tên đổi họ”. Tháng 12/2020, công ty đổi tên từ Công ty cổ phần Đầu tư HP Việt Nam thành Tập đoàn Đầu tư Lê Gia.
Tháng 4/2021, đơn vị này một lần nữa đổi tên thành Công ty cổ phần Tổng công ty Phát triển khu đô thị Dân cư mới có trụ sở tại một tòa nhà phường Sài Đồng, quận Long Biên. Đây là thời điểm nhà chức trách cáo buộc nhóm của ông Nguyễn Khánh Toàn bắt đầu giai đoạn thao túng giá.
Hơn một năm sau đó, công ty có tên mới là Tập đoàn GCL và duy trì cho đến thời điểm hiện tại.
Về phần cổ phiếu KDM, trong khoảng thời gian cơ quan điều tra xác định có hành vi thao túng giá, công ty liên tiếp xuất hiện những cổ đông lớn là cá nhân như ông Phan Thanh Dũng, bà Mai Lệ Huyền, bà Lê Thị Bích Lan, ông Nguyễn Đình Hùng, bà Đỗ Yến Vy.
Bà Mai Lệ Huyền chính là vợ của ông Nguyễn Khánh Toàn. Tháng 1/2021, bà Mai Lệ Huyền mua thêm gần 2 triệu cổ phiếu KDM, nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty lên 32,82% vốn. Tháng 7/2021, bà Huyền bắt đầu hạ sở hữu từ gần 35% vốn. Lệnh bán tiếp tục được thực hiện sau đó và bà Mai Lệ Huyền không còn là cổ đông lớn từ ngày 6/12/2021.
Sau giai đoạn cổ đông lớn liên tục trao tay đầu năm 2021, thanh khoản cổ phiếu KDM cải thiện rõ rệt về thanh khoản, giá cổ phiếu từ quanh 2.000 đồng tăng lên cao nhất là 12.000 đồng/cp thời điểm cuối năm, tức gấp gần 6 lần.
Song, nhịp tăng giá mạnh nhất của mã này phải kể đến thời điểm tháng 3 và 4 năm 2022 khi chứng khoán Việt Nam bùng nổ. KDM liên tiếp tăng kịch trần đẩy thị giá từ quanh 7.000 đồng/cp lên mức đỉnh 41.000 đồng/cp ngày 14/4/2022.
“Dấu ấn” của Nguyễn Khánh Toàn tại các công ty trên sàn chứng khoán
Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Khánh Toàn từng có thời gian làm việc tại Sở Công thương Hà Nội (2004 – 2008) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (2009 – 2017). Một điểm đáng chú ý, ông Nguyễn Khánh Toàn còn từng là Chủ tịch của hai công ty trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Lần đầu tiên ông Nguyễn Khánh Toàn trở thành Chủ tịch của một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là vào năm 2017. Cụ thể, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên do Công ty cổ phần Nông nghiệp xanh Hưng Việt (UPCOM: HVA) tổ chức cuối tháng 7/2017, ông Nguyễn Khánh Toàn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc.
Đây cũng là thời điểm Nông nghiệp xanh Hưng Việt đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư HVA. Cùng với đó, công ty này cũng quyết định chuyển hướng từ hoạt động nông nghiệp sang lĩnh vực tiền số, blockchain. Đây là lĩnh vực rất được quan tâm thời điểm đó. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm tới chiến lược này. Kết quả, cổ phiếu HVA trải qua nhiều “sóng” tăng giá bằng lần trong hai năm 2017 – 2018, thậm chí có chuỗi tăng trần hàng chục phiên.
Cần biết, vào thời điểm cuối năm 2017, bà Mai Lệ Huyền (vợ ông Nguyễn Khánh Toàn) cũng nắm giữ 2,6% vốn HVA.
Sau khi rời HVA, ông Nguyễn Khánh Toàn được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Koji từ tháng 8/2023 và chỉ chưa đến 1 năm sau đó, tháng 5/2024 ông đã có đơn xin từ nhiệm. với lý đo bận công việc cá nhân.
“Tôi xin được ủy quyền cho Thành viên Hội đồng quản trị Nguyễn Quang Huy sẽ tiếp tục thay mặt tôi tham gia các cuộc họp Hội đồng quản trị, cho ý kiến và biểu quyết đối với các vấn đề liên quan đến tôi khi được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt theo quy định của pháp luận và điều lệ công ty”, ông Toàn viết trong đơn từ nhiệm.
Ở lại Koji không lâu, nhưng ông Nguyễn Khánh Toàn đã để lại rất nhiều dấu ấn với cổ phiếu này. Tháng 9/2023, sau khi nhậm chức không lâu, ông Nguyễn Khánh Toàn đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu KPF. Tuy vậy, hết thời gian, ông Toàn chỉ mua vào vỏn vẹn 60.000 cổ phiếu. Lần đăng ký mua tiếp theo cũng 3 triệu đơn vị, nhưng chỉ mua được 200.000 cổ phiếu. Lý do đưa ra đều là giá chưa khớp mua với giá dự kiến giao dịch.
Với ông Nguyễn Khánh Toàn, việc vị lãnh đạo này cùng vợ thường xuyên giao dịch lô lớn với những cổ phiếu penny với thị giá “trà đá, cọng hành” không mấy xa lạ với giới đầu tư.
Không lâu sau khi mua vào, ông Nguyễn Khánh Toàn bán toàn bộ số cổ phần trên tại KPF trong khoảng thời gian 8 – 22/3/2024. Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu KPF giao dịch quanh ngưỡng 4.500 đồng/cp. Như vậy, số tiền ông Toàn thu về quanh 1 tỷ đồng.
Không chỉ hiện diện tại các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Khánh Toàn còn là người đại diện của loạt các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Tập đoàn Akie Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển công nghệ tự động DG, Công ty cổ phần Quản lý tài sản và khai thác nợ Toàn Cầu; Công ty cổ phần Thương mại điện tử MCC, Công ty TNHH Học viện đào tạo và tư vấn kinh doanh AMC, Công ty cổ phần Nông dược xanh Tinh Hoa. Phần lớn những cái tên này là thành viên của MCC Group.