TS Cấn Văn Lực: Lãi suất cho vay VND cơ bản duy trì ổn định, có thể tăng một số phân khúc
Phát biểu tại hội thảo “Lạm phát, lãi suất và chứng khoán”, sáng 15/7, TS Cấn Văn Lực dự báo từ nay đến cuối năm 2022, lãi suất cho vay VND cơ bản duy trì ổn định, có thể tăng một số phân khúc, thời điểm hoặc đối với một số khách hàng.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia: Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá.
Thị trường chứng khoán (TTCK) và bất động sản (BĐS) đang được điều chỉnh, lành mạnh hóa. Cơ hội đầu tư thiên về hướng sàng lọc, đa dạng hóa, ít đòn bẩy và hướng về trung, dài hạn nhiều hơn.
Tuy nhiên, tác động của việc USD tăng giá mạnh sẽ tạo rủi ro về tỷ giá. Lãi suất USD và ngoại tệ khác tăng, chi phí vay nợ, trả nợ bằng USD tăng dẫn tới những rủi ro vỡ nợ tăng.
Xuất hiện hướng chuyển dịch kênh đầu tư về tài sản, khu vực an toàn hơn và có hiện tượng rút vốn khỏi thị trường mới nổi.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cân nhắc đầu tư, tiêu dùng (nhất là bằng vay nợ) một cách kỹ lưỡng hơn; tìm kênh trú ẩn, an toàn nhiều hơn.
Đánh giá về áp lực đối với lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2022, ông Lực cho rằng giá hàng hóa thế giới còn tăng và Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nhất là khi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu.
Cùng với đó, lương tối thiểu vùng, phí giáo dục, giá dịch vụ y tế… tăng từ tháng 7/2022 và tác động vòng 2, vòng 3 của việc tăng giá xăng dầu, giá nguyên nhiên liệu tạo áp lực lạm phát.
Đà hồi phục kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cũng tạo ra áp lực lạm phát do cầu kéo.
“Độ trễ tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa nới lỏng sẽ rõ nét hơn. Tỷ giá chịu áp lực tăng từ 2,5-3% và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng khoảng 3,8 – 4,2% (hoặc có thể cao hơn) trong năm 2022”, ông Lực dự báo.
Về lãi suất cho vay VND, ông Lực nhận định lãi suất cơ bản duy trì ổn định, có thể tăng một số phân khúc, thời điểm hoặc đối với một số khách hàng (tùy thuộc vào khoản vay, khách hàng, thời hạn…). Lãi suất cho vay bằng USD sẽ tăng theo đà của thế giới.
Lĩnh vực chứng khoán cũng có nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi khá, lạm phát và tỷ giá trong tầm kiểm soát. Vấn đề quy hoạch được quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược, đầu tư công được thúc đẩy.
Khung pháp lý liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS đang từng bước được tháo gỡ. Các sản phẩm, dịch vụ chứng khoán mới đang được bổ sung tạo đà cho doanh nghiệp niêm yết phục hồi khá, giá chứng khoán ở mức trung bình.
Bàn về giải pháp cho doanh nghiệp, theo ông Lực, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ lao động, tăng năng suất lao động.
Đặc biệt, doanh nghiệp nên áp dụng mô hình 6Rs, bao gồm: Respond (thích ứng, linh hoạt), Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt), Restructure (tái cấu trúc), Re-invent (đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số), Risk management (quản lý rủi ro), Resilience (tăng sức đề kháng khả năng chống chịu các cú sốc).
“Nhà đầu tư cần đa dạng hóa, có đòn bẩy hợp lý và hạn chế tâm lý đám đông. Đồng thời, cần tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và đầu tư dài hơi hơn”, ông Lực khuyến nghị.