TS Nguyễn Hữu Huân: ‘Thị trường chứng khoán sẽ đi ngang với thanh khoản thấp’
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Đại học Kinh tế TP. HCM) cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam rất khó tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Kịch bản khả thi hơn cả là thị trường sẽ xập xình ở vùng 800 – 1.000 điểm nhưng thanh khoản sẽ khá tồi tệ.
- Là một chuyên gia cũng là một người chơi chứng khoán, xin được hỏi tình trạng tài khoản của ông hiện như thế nào?
TS Nguyễn Hữu Huân: Thực tế là tôi đã bán hết từ giữa năm 2021, cả chứng khoán lẫn bất động sản. Nguyên do là khi đó, tôi nhận thấy có nhiều yếu tố đã xuất hiện, là mầm mống cho một cuộc khủng hoảng, ví dụ giá bất động sản tăng rất cao, chứng khoán liên tiếp lập đỉnh mới (đạt đến đỉnh cao mọi thời đại hơn 1.500 điểm vào cuối năm 2021) và khối ngoại cũng đã bán ròng rồi – một dấu hiệu cho thấy công cuộc xén lông cừu đã thành hình.
Thị trường chứng khoán cũng có chu kỳ. Và là nhà đầu tư thì mình cần nhận biết chu kỳ để thoát hàng trước khi quá muộn.
- Thị trường quả thực đã vào xu hướng giảm (down-trend) sau giai đoạn thăng hoa đó. Tới nay, thị trường đã giảm xuống dưới 1.000 điểm. Ông cho rằng thời gian tới, thị trường sẽ ra sao?
Đầu năm 2022, khối ngoại bán ròng mạnh. Trong khi đó, lực mua của nhà đầu tư nội lại không đủ sức cứu vãn. Hàng triệu F0 chứng khoán xuất hiện trong 2 năm 2020 – 2021 tham gia thị trường với tâm thế của một tay chơi lướt sóng, không có nhiều hiểu biết về tài chính cũng như mua bán theo phong trào, theo tin đồn, theo hội nhóm… do đó tâm lý của họ rất yếu, khi thị trường giảm, họ đua nhau tháo chạy, điều đó lại càng khiến thị trường giảm mạnh hơn. Kết quả là như ta đã thấy, thị trường chứng khoán tụt xuống dưới 1.000 điểm, thậm chí có thời điểm thủng cả mốc 950 điểm.
Theo đánh giá của cá nhân tôi, thời gian tới, thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục giảm, dù xen kẽ có những nhịp phục hồi. Những nhịp phục hồi đó tới từ lực mua trở lại của khối ngoại hoặc những thông tin tích cực kéo sự kỳ vọng đi lên.
Một cách lạc quan, tôi cho rằng thị trường sẽ dao động quanh mức 800 – 1.000 điểm trong trung hạn. Còn bi quan, thị trường sẽ rơi xuống vùng 600 – 700 điểm. Điều này tương tự như cú rơi của chứng khoán giai đoạn 2007 – 2009, từ đỉnh cao 1.170 điểm xuống 235 điểm. Tất nhiên, để xảy ra kịch bản tồi tệ như vậy, tin xấu phải là rất nhiều.
Nhìn chung, tôi đánh giá thị trường rất khó đảo chiều tích cực để tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
- Như ông nói ở trên, lực mua trong nước không đủ là điều khiến thị trường suy giảm. Ông có thể giải thích kỹ lưỡng hơn?
Cú rơi quá mạnh, tới 500 – 600 điểm của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay đã khiến phần lớn nhà đầu tư cá nhân trong nước lỗ nặng, đa số lỗ 50% - 70%, thậm chí lỗ 90% nếu sử dụng margin. Lỗ như vậy thì không có mấy ai còn can đảm để tiếp tục gồng lỗ. Làn sóng bán tháo diễn ra trong mấy tháng qua đã cho thấy điều đó. Và khi đã bán như vậy, nhà đầu tư đâu còn gì để tiếp tục chơi, tiếp tục là động lực đưa thị trường lên đỉnh. Quan sát thực tế cho thấy nhà đầu tư một khi đã thua lỗ, rút khỏi thị trường thì gần như không quay lại nữa.
Ngoài ra, ta có thể thấy việc vay vốn giờ rất khó, lãi suất lại tăng lên. Vậy nhà đầu tư đã cụt vốn biết lấy tiền ở đâu để tiếp tục mua bán? Mặt khác, lãi suất chính là kẻ thù của chứng khoán. Lãi tiền gửi giờ tăng lên tới 9% - 10%. Với lãi suất hấp dẫn như vậy, dòng tiền tất yếu chạy từ kênh chứng khoán sang kênh tiền gửi thôi.
- Yếu tố lãi suất như ông vừa phân tích có phần tác động từ vấn đề của thị trường trái phiếu. Ông có thể phân tích về điều này?
Các thị trường luôn có sự liên thông với nhau, thị trường cổ phiếu suy giảm là do lãi suất tăng lên, lãi suất tăng lên một phần vì hệ thống ngân hàng chịu áp lực về thanh khoản, một trong các áp lực đó là trái phiếu (áp lực đáo hạn, áp lực rút tiền trước hạn).
Như ta đã biết, các ngân hàng là nơi bán trái phiếu cho các tổ chức phát hành, công ty chứng khoán; các ngân hàng cũng nắm giữ một lượng lớn trái phiếu; các ngân hàng lại có mối quan hệ sở hữu rất khăng khít với tổ chức phát hành và công ty chứng khoán hoặc tổ chức phát hành là khách hàng lớn của các ngân hàng. Dưới áp lực đáo hạn của thị trường trái phiếu, áp lực mua lại trái phiếu trước hạn, đặc biệt là áp lực từ các vụ án trái phiếu (như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát), thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng.
- Không phải là cơ quan quản lý nói thanh khoản vẫn dồi dào sao?
Đó là ở thời điểm hiện tại, áp lực từ thị trường trái phiếu chưa đạt đến đỉnh cao. Bên cạnh đó, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bơm ròng để hỗ trợ cho các ngân hàng, khoảng 3 tỷ USD.
Chúng ta có thể hình dung phần nào áp lực thanh khoản của các ngân hàng ở mặt bằng lãi suất. Mặc dù lãi suất bình quân liên ngân hàng có xu hướng giảm, thể hiện thanh khoản ngắn hạn tương đối ổn, nhưng lãi suất huy động vẫn tăng, cho thấy áp lực thanh khoản là hiện hữu. Nếu không chịu áp lực thanh khoản, lãi suất sẽ không tăng lên đâu, dù cho chúng ta có thể giải thích rất hợp lý rằng lãi suất tăng lên để bảo vệ tỷ giá.
- Vậy với ý tưởng ngân hàng sẽ đứng ra xử lý trái phiếu, ông nghĩ sao?
Nới lỏng các điều kiện thì hệ thống ngân hàng cũng có thể. Tuy nhiên, cần thấy rằng ngân hàng hiện đã có sẵn nợ xấu rồi, giờ ôm thêm một cục nợ xấu trái phiếu nữa, e là không phải điều hay. Ngoài ra, cũng cần xem xét đến yếu tố trách nhiệm của các ngân hàng. Họ suy cho cùng không phải là người phát hành trái phiếu, nên không có trách nhiệm đứng ra xử lý, và thực tế thì có lẽ ít ai mặn mà.
Một vấn đề khác là tài sản bảo đảm tuy có nhiều, song xử lý không nhanh được, vì một phần rất lớn là bất động sản. Với triển vọng không lấy gì làm sáng sủa của thị trường hiện nay và quy mô tài sản bảo đảm rất lớn, nền kinh tế cần rất nhiều năm mới có thể “tiêu hóa” được. Ở cuộc khủng hoảng trước, thời gian “tiêu hóa” là 5 – 7 năm, nếu không muốn nói là trên dưới 10 năm.
- Vậy phương án ông cho là khả thi là gì?
Nhà nước đứng ra xử lý. Trước đây, chúng ta lập ra VAMC để xử lý nợ xấu ngân hàng. Với nợ xấu trái phiếu, thiết tưởng cũng có thể lập một tổ chức theo mô hình tương tự. Tuy vậy, điều nên cân nhắc là hạn chế bán tài sản bảo đảm cho khối ngoại.
- Trở lại với thị trường chứng khoán, với các phân tích nêu trên, triển vọng của thị trường là không sáng sủa. Nhưng chẳng lẽ chúng ta tắt ứng dụng (app), rời bỏ cuộc chơi. Liệu có cơ hội nào cho “chứng sĩ” trong tình cảnh này?
Nói có thì vẫn có, nhưng khuyến nghị trong bối cảnh hiện nay hàm chứa rất nhiều rủi ro, bởi tôi cho rằng đa phần nhà đầu tư hiện nay đang trong tình trạng chờ đợi hoặc rút lui hơn là tìm kiếm cơ hội để “phục thù”.
Thị trường có thể sẽ đi ngang nhưng thanh khoản sẽ rất kém. Giờ chỉ có chờ lực mua từ khối ngoại trở lại. Trong lúc chờ đợi như vậy, có thể cân nhắc một số doanh nghiệp có liên quan xuất khẩu, vì họ đang được lợi từ tỷ giá, tất nhiên là các doanh nghiệp đó phải chủ động được nguồn cung trong nước. Nhóm du lịch cũng có thể có triển vọng, vì thị trường du lịch đang trở lại. Đi kèm tất yếu là nhóm bán lẻ, F&B…
Nhưng tôi vẫn phải lưu ý một điều. Với các thị trường mới nổi như Việt Nam, sự phụ thuộc vào khối ngoại là rất nặng nề. Hoạt động của khối ngoại không khác gì một hình thức “thực dân mới”. Họ đổ tiền vào, tạo bong bóng, hút giới trung lưu tham gia rồi bán chốt lời ở đỉnh cao, kế đó đẩy tiền về nước, tạo áp lực tỷ giá, tạo khủng hoảng, làm vỡ bong bóng, khiến các tài sản tài chính sụp đổ. Khi đó, họ lại quay lại, mua tài sản với giá rẻ và bắt đầu một chu kỳ “xén lông cừu” mới với kịch bản tương tự.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!