Đầu tư chứng khoán tay ngang, doanh nghiệp nhận 'trái đắng'

Nhiều doanh nghiệp từ thép đến bất động sản, xây dựng… “đá chéo sân” sang đầu tư chứng khoán đã nhận cái kết “đắng” trong quý vừa qua.

Thị trường chứng khoán diễn biến kém khả quan khiến nhiều doanh nghiệp “tay ngang” thua lỗ
Thị trường chứng khoán diễn biến kém khả quan khiến nhiều doanh nghiệp “tay ngang” thua lỗ

“Trái đắng” trên cho kẻ tay ngang

Năm 2021, một số doanh nghiệp đối mặt tình trạng đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh đã chuyển hướng sang đầu tư chứng khoán. Quyết định này vào thời điểm năm 2021 đã giúp nhiều doanh nghiệp thu được những khoản lời không hề nhỏ, thậm chí bù đắp được cho toàn bộ sự thiếu hụt lợi nhuận của hoạt động cốt lõi. Một số cái tên đã “thắng lớn” nhờ đầu tư chứng khoán trong năm 2021 có thể kể đến như Công ty Cổ phần Công viên nước Đầm Sen (HoSE: DSN), Công ty Cổ phần Sam Holdings (HoSE: SAM), Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT),…

Sang năm 2022, “cuộc chơi” trên thị trường chứng khoán qua giai đoạn “đánh gì cũng thắng”, nhiều doanh nghiệp tập trung lại vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính, bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp vẫn miệt mài với hoạt động kinh doanh “tay trái” trên sàn chứng khoán. Không còn thu được trái ngọt như năm trước, kết quả kinh doanh quý III vừa qua cho thấy các nhà đầu tư tổ chức này đã phải trích lập dự phòng giảm giá đến hàng chục phần trăm cho danh mục chứng khoán.

“Ông lớn” trong ngành cá tra, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) là một trong những doanh nghiệp đã đem trăm tỷ đồng đầu tư vào thị trường chứng khoán. Trong quý III vừa qua, giá trị gốc danh mục chứng khoán kinh doanh của doanh nghiệp này là hơn 190 tỷ đồng, tăng thêm hơn 111 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Có thể thấy, dù đã qua giai đoạn thăng hoa của thị trường chứng khoán, VHC vẫn mạnh tay chi thêm trăm tỷ đồng đầu tư vào thị trường. Danh mục của VHC bao gồm cổ phiếu NLG của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG), cổ phiếu DSX của Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HoSE: DXS) và cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC).

Tính đến ngày 30/9/2022, giá trị hợp lý của giá trị chứng khoán kinh doanh của VHC là hơn 112 tỷ đồng, doanh nghiệp 78,6 tỷ đồng dự phòng giảm giá. Nói cách khác, VHC đang tạm lỗ chứng khoán tới 42%. Đến thời điểm này, tình hình có thể đã bi đát hơn nhiều khi các cổ phiếu trên giảm rất mạnh trong nửa đầu quý IV.

Khác với hoạt động “tay trái”, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III của VHC vẫn đi theo chiều hướng tích cực với doanh thu thuần đạt 3.261 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp đạt 625 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 53%. Biên lãi gộp tăng từ 18,3% (quý III/2021) lên mức 19,2%. Chốt quý, lợi nhuận sau thuế tăng 79%, đạt 460 tỷ đồng. Như vậy, dù hoạt động kinh doanh chứng khoán có phần kém sắc nhưng vẫn chưa ảnh hưởng quá lớn tới kết quả hợp nhất của cả quý.

Hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, Công ty Cổ phần Hoá An (HoSE: DHA) từng lãi gần 15 tỷ đồng nhờ kinh doanh chứng khoán trong năm 2021, khoản lãi lớn nhất từ chứng khoán mà doanh nghiệp này từng ghi nhận. Tính đến cuối quý III/2022, tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của DHA là hơn 246 tỷ đồng, bao gồm hơn 88 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán và 158 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng.

Doanh nghiệp này đang trích lập hơn 24 tỷ đồng dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn. Với khoản tiền gửi có kỳ hạn là cố định và không có khả năng giảm giá, khoản trích lập dự phòng này nhiều khả năng đến từ việc giá chứng khoán giảm.

So với thời điểm đầu năm, DHA đã đầu tư thêm hơn 2,3 triệu cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) và thêm 50 cổ phiếu TCH của Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Hoàng Huy (HoSE: TCH). Xét số lượng cổ phiếu HPG đang nắm giữ với giá trị được ghi nhận trong báo cáo tài chính của DHA, doanh nghiệp này có thể đã mua cổ phiếu HPG với giá trung bình là 30.400 đồng/cổ phiếu. Với thị giá hiện nay của HPG trên thị trường chứng khoán, DHA đang lỗ tới gần 52% chỉ tính riêng giá trị cổ phiếu HPG, tương đương lỗ khoảng 41 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh chính, DHA vẫn ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận gộp quý III lần lượt tăng 37% và tăng 23% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 92,8 tỷ đồng và 24,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý III tăng trưởng ở mức 11%, đạt hơn 19 tỷ đồng. Như vậy tương tự như VHC, DHA vẫn đạt được tăng trưởng lợi nhuận bất chấp hoạt động “tay trái” kém sắc.

Công ty Cổ phần Tập đoàn thép Tiến Lên (HoSE: TLH) là trường hợp doanh nghiệp vừa có hoạt động cốt lõi đi xuống vừa không thành công ở hoạt động “tay ngang”. Theo đó, ở hoạt động sản xuất kinh doanh chính là buôn bán vật liệu xây dựng, chủ yếu là thép, dù ghi nhận doanh thu thuần quý III/2022 đạt 1.159 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận của TLH giảm tới 65%, tương ứng đạt 57 tỷ đồng vì giá vốn tăng cao.

Nhìn sang hoạt động kinh doanh chứng khoán, tính đến cuối quý III, giá trị danh mục đầu tư của TLH đạt hơn 138 tỷ đồng, tăng hơn 30 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp thép này hiện đang nắm giữ cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB), Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX (HoSE: VIX), Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HoSE: IJC) và hơn 75,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác.

Đáng chú ý, TLH đang trích lập hơn 60,7 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, tương đương danh mục đang lỗ gần 44%. So với thời điểm cuối quý II, TLH đã cắt lỗ khoảng 20 tỷ đồng. Ghi nhận trong quý III, khoản lãi từ bán chứng khoán của TLH chỉ đạt vỏn vẹn 672 triệu đồng, trong khi cùng kỳ là hơn 2,5 tỷ đồng. Khoản lỗ kinh doanh chứng khoán đạt hơn 8,5 tỷ đồng, cùng kỳ là 2,5 tỷ đồng. Chốt quý, TLH báo lãi sau thuế hơn 6 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp bất động sản “đua nhau” đầu tư chứng khoán

Đầu tư chứng khoán tay ngang, doanh nghiệp nhận 'trái đắng' - Ảnh 1

Trong cuộc đua đầu tư chứng khoán của các doanh nghiệp trái ngành, nhóm xây dựng - bất động sản đóng góp khối lượng “ứng cử viên” nhiều hơn hẳn các ngành nghề khác. Theo thống kê của Tạp chí Đầu tư Tài chính, 4 doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã mang tiền đi đầu tư chứng khoán và không gặp nhiều may mắn là Công ty Cổ phần Licogi 14 (HNX: L14), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HoSE: NDN), Công ty Cổ phần Nhà Thủ Đức (HoSE: TDH) và Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD).

Về phía L14, tính tới cuối quý III/2022, giá trị các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt hơn 224 tỷ đồng, bao gồm hơn 105 tỷ đồng chứng khoán đầu tư ngắn hạn và hơn 119 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. L14 đang trích lập dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn hơn 68,7 tỷ đồng. Do tiền gửi ngân hàng là khoản đầu tư có mức độ an toàn cao, không ngoại trừ khả năng số tiền trích lập này là dự phòng cho khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn của L14. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp này có thể đang lỗ tới 65% danh mục chứng khoán tính tới cuối quý III.

Việc kinh doanh chứng khoán thua lỗ đã phần nào thể hiện trong kết quả kinh doanh của L14. Cụ thể, trong khi doanh thu thuần quý III của L14 tăng gần như gấp đôi, đạt hơn 35 tỷ đồng thì lợi nhuận sau thuế lại đi ngang so với cùng kỳ, đạt hơn 11 tỷ đồng. Đáng chú ý, luỹ kế 9 tháng, với mức doanh thu thuần tăng 51%, đạt hơn 129 tỷ đồng, L14 lại báo lỗ sau thuế 15,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi tới 39 tỷ đồng.

Trong khi đó, NDN và CTD là 2 doanh nghiệp trong nhóm xây dựng - bất động sản bỏ vài trăm tỷ đồng vào chứng khoán. Trong đó, tính đến cuối quý III, giá trị danh mục chứng khoán của NDN đạt hơn 398 tỷ đồng, đầu tư vào cổ phiếu của nhiều ngành nghề như ngân hàng, y dược, điện, chứng khoán, bất động sản. Danh mục này của NDN đang lỗ khoảng 31%, tương đương trích lập dự phòng giảm giá hơn 123 tỷ đồng, tập trung ở các cổ phiếu như ABB của Ngân hàng TMCP An Bình, SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes, TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam…

Với CTD, tính tới cuối quý III/2022, doanh nghiệp này nắm giữ tổng cộng hơn 255 tỷ đồng giá trị chứng khoán kinh doanh theo giá gốc. CTD đã lỗ gần 37 tỷ đồng, tương đương 14% danh mục. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, doanh nghiệp này công khai nắm giữ 2 cổ phiếu là TCB và FPT của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) cùng chứng chỉ quỹ ETF KIM GROWTH VN30. Chứng chỉ quỹ này hiện đang lỗ 12,5% so với giá gốc mà CTD mua vào.

Điểm chung của 2 doanh nghiệp NDN và CTD là cùng ghi nhận quý III “buồn” khi lần lượt báo lỗ sau thuế 28,7 tỷ đồng và 3,5 tỷ đồng. Với NDN, doanh thu thuần quý III giảm tới 99,5%, đạt vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, cũng cần kể đến trường hợp của TDH, dù có khoản đầu tư vào chứng khoán “khiêm tốn” nhất so với các doanh nghiệp nêu trên, đạt tổng giá trị danh mục là hơn 32 tỷ đồng, tuy nhiên lại đang phải trích lập dự phòng giảm giá tới 83% giá trị danh mục, cụ thể là trích lập hơn 26,7 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý III, TDH đầu tư vào tổng cộng 3 cổ phiếu niêm yết của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương (UPCoM: PPI), Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 (HoSE: SC5) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB). Chốt quý III, lợi nhuận sau thuế của TDH giảm tới 88% so với cùng kỳ, một phần do doanh thu thuần giảm 44%, đạt 19 tỷ đồng, một phần do chi phí tài chính tăng đột biến lên 21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ được hoàn nhập 7,9 tỷ đồng. Toàn bộ khoản chi phí đột biến này đến từ việc TDH phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư.

Có thể thấy, với những doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý III/2022 thì việc thua lỗ trong đầu tư chứng khoán chỉ là một thất bại trong việc quản lý nguồn tiền nhàn rỗi. Vấn đề đáng ngại hơn xảy ra ở các doanh nghiệp “lún” quá sâu, dòng tiền thay vì chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh khi cần, thì lại chảy vào hoạt động đầu tư tài chính, tuy có mang lại lợi nhuận kếch sù ở một khoảng thời gian nhất định nhưng sau đó “của thiên trả địa”, doanh nghiệp thậm chí lỗ đậm còn thời cơ phát triển kinh doanh cũng qua đi, năng lực cạnh tranh giảm sút và trong tương lai có thể chịu “lỗ kép” cả từ hoạt động đầu tư tài chính lẫn hoạt động kinh doanh.

Hải Đường

Theo VietnamFinance