TTC Land có quý lỗ đậm nhất lịch sử, dòng tiền kinh doanh 2022 âm hơn 300 tỷ

Quý IV/2022, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HoSE: SCR) lỗ sau thuế tới 89 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ đầu tiên trong vòng 3 năm qua.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của SCR, quý IV/2022, doanh thu thuần đạt 319 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 81 tỷ đồng, cùng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong quý, công ty cũng có thêm 8 tỷ đồng lãi từ công ty liên kết và 36 tỷ đồng doanh thu tài chính.

Tuy nhiên, chừng đó vẫn là quá nhỏ so với khoản chi phí mà công ty phải gánh chịu, lên tới 228 tỷ đồng, gồm: chi phí tài chính 174 tỷ đồng, chi phí bán hàng đạt 22 tỷ đồng, chi phí quản lý 32 tỷ đồng.

Bởi vậy, kết quý IV/2022, SCR lỗ trước thuế 104 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 9 tỷ đồng); lỗ sau thuế 89 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 4,6 tỷ đồng).

Đây là quý lỗ thứ 7 trong lịch sử, là quý lỗ đầu tiên trong 3 năm qua và là quý lỗ đậm nhất từ trước đến nay của SCR.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của SCR đạt 893 tỷ đồng, giảm 47% so với năm trước. Trong đó, mảng bất động sản (chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bất động sản) giảm 51%; mảng xây lắp giảm 64%.

Lợi nhuận gộp đạt 243 tỷ đồng, giảm 22% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 27,2%.

Trong năm, hoạt động tài chính mang về 405 tỷ đồng (giảm 21%). Bên cạnh đó, SCR cũng đạt được 14 tỷ đồng từ công ty liên kết.

Song, do các loại chi phí neo ở mức rất cao, lợi nhuận trước thuế giảm 67%, chỉ đạt 79 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 71%, chỉ còn 56 tỷ đồng.

Năm 2022, SCR đặt mục tiêu doanh thu 2.135 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới chỉ hoàn thành 42% mục tiêu doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SCR đạt 9.691 tỷ đồng, giảm 1% so với đầu năm. Đáng chú ý là tiền và tương đương tiền tăng gấp 3 lần, đạt 121 tỷ đồng, trong khi các khoản phải thu giảm 12% còn 4.248 tỷ đồng (ngắn hạn 2.980 tỷ đồng, giảm 21%; dài hạn 1.267 tỷ đồng, tăng 19%).

Hàng tồn kho cũng giảm nhẹ trong năm qua, còn 2.776 tỷ đồng, chủ yếu là các bất động sản dở dang, gồm: Jamona City (1.206 tỷ đồng), Charmington Dragonic (576 tỷ đồng), Tahiti (509 tỷ đồng), Jamona Cầu Tre (196 tỷ đồng), Jamona Home Resort (92 tỷ đồng)…

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 đạt 4.623 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Trong đó, đáng kể là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 61% còn 529 tỷ đồng. Tiền đặt cọc nhận từ cá nhân để mua căn hộ đạt 489 tỷ đồng, giảm 8%.

Tổng nợ vay trong năm qua đã tăng 22%, đạt 1.909 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với vốn chủ sở hữu đạt 5.068 tỷ đồng, tăng thêm 35 tỷ đồng so với đầu năm, không có nhiều lo lắng về mức độ an toàn của SCR.

Điểm trừ là dòng tiền kinh doanh năm 2022 khá xấu khi âm 322 tỷ đồng, do giảm các khoản phải trả (485 tỷ đồng), chi trả lãi vay (296 tỷ đồng). Dòng tiền đầu tư chỉ 63 tỷ đồng là không đủ để bù đắp nên quy mô dòng tiền đi vay được nâng lên 1.253 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước, trong khi dòng tiền trả nợ gốc vay giảm 60% còn 912 tỷ đồng, giúp lưu chuyển tiền thuần cả năm dương 81 tỷ đồng.

Lê Nguyễn

Theo VietnamFinance