TTC Land: Lãi trước thuế 6 tháng 2023 gần 14 tỷ đồng
6 tháng đầu năm, TTC Land đạt 150 tỷ doanh thu và 14 tỷ lợi nhuận trước thuế, giảm so với nửa đầu năm ngoái.
CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 với doanh thu 69 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 29 tỷ đồng, giảm so với con số cùng kỳ là 32 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty tiết giảm đáng kể chi phí tài chính. Khấu trừ, lợi nhuận sau thuế thu về gần 4 tỷ đồng, giảm mạnh so với quý 2/2022.
Lũy kế nửa đầu năm, TTC Land đạt 150 tỷ đồng doanh thu và 14 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm so với nửa đầu năm ngoái.
Trong cơ cấu doanh thu của TTC Land, bao gồm chuyển nhượng bất động sản, doanh thu kinh doanh sàn thương mại và doanh thu dịch vụ bất động sản. Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đến từ cho thuê sàn thương mại và dịch vụ bất động sản, chủ yếu từ các dự án quan trọng như TTC Plaza Bình Thạnh, TTC Plaza Đức Trọng, TTC Plaza Âu Cơ, Charmington La Pointe, Jamona City.
Tình hình kinh doanh kém sắc là bức tranh chung của nhóm doanh nghiệp bất động sản nửa đầu năm. Dù đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra, nhưng theo các chuyên gia, để doanh nghiệp có thể "thẩm thấu" và hồi phục cần thêm thời gian.
Năm 2023, TTC Land đề mục tiêu doanh thu thuần 540 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng, giảm so với năm 2022. Kế hoạch này chỉ tính mảng cung cấp dịch vụ, không bao gồm đóng góp từ mảng bất động sản.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, nhận định về năm 2023, Tổng giám đốc Võ Quốc Khánh cho rằng, về tổng thể bức tranh chung vẫn còn khó khăn nhất định do dư địa từ năm 2022 và trước đó, bao gồm quan điểm vận hành ở góc độ quản lý nhà nước và thị trường tài chính, thị trường vốn.
Chính vì vậy, theo ông Khánh năm nay, TTC Land không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận mà tập trung vào công tác chuẩn bị, chấp nhận có những buồn bã, thất vọng để có những bước đi vững vàng.
Ông Võ Quốc Khánh cho biết thêm, thị trường bất động sản, tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung gặp rất nhiều khó khăn nếu không nói là khủng hoảng từ quý 4/2022, dẫn đến toàn bộ thị trường gần như đóng băng. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, quy định để tháo gỡ thị trường BĐS.
Tuy nhiên, niềm tin nhà đầu tư và khách hàng vẫn chưa được phục hồi, do đó, chúng tôi dự đoán thị trường tiếp tục khó khăn về nguồn cầu trong năm 2023 và từng bước hồi phục trong năm 2024. Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực, tài chính để bứt phá trong những năm sau.
Theo ông Khánh thì Nhà nước đã có một số động thái quyết liệt để vực dậy ngành bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cấp chính quyền đã họp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn.
“Chúng ta theo đó có một chút hy vọng rằng có thể từ quý 3/2023 tình hình dần có những tín hiệu sáng sủa. Tuy nhiên, việc này có độ trễ nên trong năm 2023, quan điểm và góc nhìn của ban điều hành đều thận trọng, kĩ lưỡng trên quan điểm trụ lại sức nội tại để chuẩn bị bứt phá ở những năm sau”, ông Khánh nói.