Từ cổ phiếu "trà đá" đến tăng giá 52 lần trong 2 tháng, VNX có gì?

Lượng cổ phiếu lưu hành của VNX chỉ hơn 1,2 triệu cổ phiếu chưa kể cơ cấu cổ đông đến hơn nửa là ban lãnh đạo phần nào giúp giá cổ phiếu càng dễ đẩy lên cao.

“Bó tay” một cổ phiếu tăng giá gần 400% dù kinh doanh lỗ “chỏng chơ”!

EPS trên 10.000 đồng, trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 50%

Gần hai tháng nay, nhà đầu tư không còn xa lạ gì với cổ phiếu VNX của Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (Vinexad) khi giá cổ phiếu đã tăng phi mã tới 52 lần từ mức 1.200 đồng/cp lên 62.900 đồng/cp kết phiên 13/5. 

Cổ phiếu VNX đã tăng trần 18 phiên liên tiếp rồi tham chiếu duy nhất một phiên ngày 18/4 và lại tiếp tục trần 13 phiên cho tới nay. Tuy nhiên khối lượng khớp lệnh hàng phiên của VNX lại rất thấp, chỉ loanh quanh 100 đơn vị/phiên, có một phiên đạt 300 đơn vị và chỉ ba phiên gần đây khối lượng giao dịch của VNX mới cải thiện lên mức trên 2.200. Qua đó, có thể thấy giao dịch bất thường của cổ phiếu VNX.

Từ cổ phiếu "trà đá" đến tăng giá 52 lần trong 2 tháng, VNX có gì? - Ảnh 1

Diễn biến giá cổ phiếu từ ngày giao dịch UPCoM đến nay (Nguồn: VNDirect)

Đáng chú ý, sau khi cổ phiếu VNX tăng trần được khoảng 6 phiên thì doanh nghiệp công bố thông tin trả cổ tức tiền mặt lên tới 50% (5.000 đồng/cp) cho năm 2018 trong khi thị giá cổ phiếu thời điểm đó là chưa tới 4.000 đồng/cp.

Đây là mức chi trả cổ tức tiền mặt cao nhất kể từ khi doanh nghiệp giao dịch UPCoM và cao gấp 2 lần so với kế hoạch được đề ra trước đó. Tổng số tiền doanh nghiệp bỏ ra để chi trả cổ tức cho cổ đông là hơn 6 tỷ đồng, bằng ½ so với tổng lợi nhuận năm 2018.

Dù cổ phiếu tăng phi mã trong hai tháng qua song phía ban lãnh đạo của doanh nghiệp không có động thái mua, bán cổ phiếu. 

Đáng chú ý, tại thời điểm 31/12/2018, EPS của VNX lên tới 10.177 đồng, trong khi thời điểm đó giá cổ phiếu VNX chỉ 1.200 đồng/cp. Có thể nói VNX nằm trong top khoảng 30 doanh nghiệp có EPS cao nhất trên sàn chứng khoán hiện nay, thậm chí gần ngang ngửa với EPS của "ông lớn" Công ty cổ phần Hàng không VietJet (Mã: VJC).

Chỉ hơn 1,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, 1/2 cơ cấu cổ đông là ban lãnh đạo

VNX tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, ra đời từ năm 1975. Năm 2006, Công ty đã tiến hành cổ phần hóa; hoạt động chính trong mảng tổ chức hội chợ triển lãm; tổ chức sự kiện; cho thuê biển quảng cáo, panô áp phích ngoài trời và quảng cáo trên phương tiện truyền thông; cho thuê bất động sản.

Tới tận tháng 7/2013, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mới chính thức thoái hết toàn bộ gần 4% cổ phần nhà nước. Theo đó, hiện cơ cấu cổ đông của VNX có tỷ lệ sở hữu trên 50% là lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan.

Cổ đông lớn nhất hiện nay là ông Phạm Quỳnh Giang  - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) nắm 15% vốn, tiếp đó là ông Nguyễn Khắc Luận – Chủ tịch HĐQT sở hữu 13,5% vốn tại VNX.

Hiện VNX đang chỉ có hơn 1,22 triệu cổ phiếu giao dịch UPCoM, tương ứng với vốn điều lệ hơn 12 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy cơ cấu cổ đông cô đặc cùng với  lượng cổ phiếu đang lưu hành rất ít nên chỉ cần lượng nhỏ cổ phiếu giao dịch có thể đẩy giá VNX lên cao.

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh 3 năm trở lại đây

Từ cổ phiếu "trà đá" đến tăng giá 52 lần trong 2 tháng, VNX có gì? - Ảnh 2

Số liệu kinh doanh và quy mô tài sản của VNX giai đoạn 2009 - 2018, đv: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp)

Giai đoạn 2012 – 2018, VNX ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, từ mức 79 tỷ đồng năm 2012 đã lên tới 165 tỷ đồng vào năm 2018. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ có sự cải thiện rõ rệt trong 3 năm trở lại đây khi lợi nhuận năm 2018 đã gấp 2 lần năm 2016.

Năm 2019, VNX lại đưa ra kế hoạch giật lùi khi đặt mục tiêu doanh thu 155 tỷ đồng, lãi sau thuế 9,6 tỷ đồng; giảm lần lượt 6% và 23% so với thực hiện năm 2018.

Mảng kinh doanh cốt lõi của VNX hiện là triển lãm, sự kiện ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất năm 2018 so với các năm trước. Năm 2018 Công ty đã tổ chức 35 cuộc hội chợ triển lãm, sự kiện để đem về khoản doanh thu kỷ lục từ trước tới nay.

Bên cạnh đó, mảng kinh doanh quảng cáo đang tăng trưởng chậm, chưa có đột phá còn mảng kinh doanh văn phòng thì đã lấp đầy diện tích cho thuê. VNX có văn phòng tọa lạc ở vị trí đắc địa tại số 9, Đinh Lễ, TP Hà Nội với diện tích cho thuê trên 400m2 đã khai thác kinh doanh năm thứ 9.

Về quy mô tài sản thì VNX có sự tăng trưởng chậm. Hết năm 2018, tổng tài sản của Công ty chỉ hơn 58 tỷ đồng; trong đó khoản tiền cùng tiền gửi có kỳ hạn của doanh nghiệp này là hơn 34 tỷ đồng, chiếm tới 59% tổng tài sản. Đáng lưu ý, doanh nghiệp không hề sử dụng đến vốn vay từ ngân hàng trong nhiều năm qua.

Qua đó có thể thấy nguyên nhân phần nào khiến cổ phiếu VNX tăng phi mã bắt nguồn từ việc doanh nghiệp mạnh tay trả cổ tức tiền mặt tới 50%, bên cạnh tình hình kinh doanh có sự đột phá mạnh trong 3 năm gần đây, mặc dù sang năm 2019 doanh nghiệp lại đặt kế hoạch lợi nhuận giảm tốc.

Tuy nhiên với diễn biến bất thường của cổ phiếu đặc biệt là thanh khoản của VNX, liệu có tác nhân nào khác đang kéo giá cổ phiếu này tăng phi mã như thời gia qua không?

 

Theo Hoàng Kiều/ KDPL

Tin liên quan