Từ ‘nghịch lý’ trên sàn UPCoM đến ‘mỏ vàng’ ít người đủ kiên nhẫn nắm giữ
Đang có một “nghịch lý” là giá trị phần vốn góp của Masan (HoSE: MSN) tại Masan Consumer (UPCoM: MCH) bằng xấp xỉ… cả tập đoàn Masan. Nhưng dù MCH được định giá cao hay MSN bị định giá thấp thì MCH vẫn là cổ phiếu mơ ước của các nhà đầu tư và sàn UPCoM có cả một “mỏ vàng” như vậy.
Nghịch lý MCH - MSN
Lâu nay, UPCoM vẫn là sàn chứng khoán bị nhiều nhà đầu tư lãng quên, phần vì chất lượng hàng hoá về tổng thể thua kém so với sàn HoSE, phần vì biên độ biến động của sàn UPCoM quá lớn, lên đến 15%/phiên, khiến nhà đầu tư khó kiểm soát rủi ro.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM đã để lại ấn tượng đặc biệt khi ghi nhận mức tăng phi mã. Tiêu biểu nhất trong đó là cổ phiếu MCH của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer).
Cụ thể, kể từ đầu năm đến nay, thị giá MCH đã tăng tới 150%, 87.200 đồng/cổ phiếu lên 218.600 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá tăng vọt lên 157.000 tỷ đồng, cao hơn cả VPB - cổ phiếu xếp thứ 10 trong danh sách các mã có vốn hoá lớn nhất sàn HoSE.
Đà tăng của MCH có thể được lý giải bởi một số lý do như sau. Thứ nhất, bản thân MCH là cổ phiếu có nền tảng cơ bản rất tốt. Nhìn vào lợi nhuận sau thuế của Masan Consumer giai đoạn quý I/2019 - quý I/2024, có thể thấy chu kỳ lợi nhuận của doanh nghiệp này là thấp nhất vào quý đầu năm, tăng dần qua các quý và quý cuối năm đạt mức cao nhất. Sức cạnh tranh của Masan Consumer là rất lớn, đại dịch Covid-19 thậm chí còn không cản được đà tăng lợi nhuận của doanh nghiệp này khi kết quả kinh doanh các quý của năm 2020 vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 và năm 2021 tiếp tục cao hơn cùng kỳ năm 2020. Năm 2022, mặc dù có sự trồi sụt nhất định trong kết quả kinh doanh của các quý nhưng tổng lợi nhuận sau thuế vẫn cao hơn năm 2021.
Đặc biệt, Masan Consumer thiết lập kỷ lục mới về lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2023 khi đạt tới 2.306 tỷ đồng. Sang quý đầu năm 2024, lợi nhuận của doanh nghiệp này tiếp tục đạt mức kỷ lục xét trong quý I hàng năm. Đây là lực đẩy quan trọng cho đà tăng của giá cổ phiếu MCH trong nửa đầu năm nay.
Sang đến năm 2024, đại hội đồng cổ đông của Masan Consumer thông qua kế hoạch chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 100%, tức là mỗi cổ phiếu nhận về 10.000 đồng. Như vậy, ngay cả khi giá cổ phiếu MCH tăng vọt, đã lên đến trên 200.000 đồng/cổ phiếu, tức là mức cổ tức vẫn duy trì ở mức khoảng 5%/năm.
Ngoài ra, một lực đẩy quan trọng khác đối với cổ phiếu MCH là kế hoạch chuyển giao dịch từ sàn UPCoM sang sàn HoSE.
Có một “nghịch lý” là giá trị vốn hóa của Masan Consumer đã… vượt cả công ty mẹ là Tập đoàn Masan. Cụ thể, hiện giá trị vốn hóa của Tập đoàn Masan ở mức trên 110.000 tỷ đồng, trong khi giá trị vốn hóa Masan Consumer ở mức trên 157.000 tỷ đồng.
Kể cả xét theo tỷ lệ sở hữu, giá trị phần vốn góp của Masan tại Masan Consumer xét theo giá thị trường vẫn tương đương giá trị vốn hóa của cả tập đoàn Masan. Cụ thể, hiện tỷ lệ lợi ích của Masan tại MCH tính đến hết quý I/2024 ở mức 68,1%. Với giá trị vốn hoá trên 157.000 tỷ đồng của MCH, giá trị phần vốn góp của Masan tại MCH tương đương khoảng 107.000 tỷ đồng, xấp xỉ cả tập đoàn Masan.
Điều đó có nghĩa là nếu tính theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, tức là tổng giá trị vốn hoá của Tập đoàn Masan bằng tổng giá trị các khoản vốn góp của Masan tại các công ty con và công ty liên kết, thì phần giá trị vốn góp của Masan tại Masan High-Tech Materials, Masan MeatLife, WinCommerce (công ty sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart và WinMart+) và Techcombank chỉ ở mức vài nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ tính riêng phần vốn góp tại Techcombank (Masan sở hữu 19,9%), quy đổi theo giá trị vốn hoá, đã lên tới 34.000 tỷ đồng (giá trị vốn hoá của Techcombank hiện trên 170.000 tỷ đồng).
“Mỏ vàng” ít nhà đầu tư kiên nhẫn nắm giữ
Có ý kiến cho rằng MCH được định giá cao, nhưng nếu nhìn vào tỷ suất cổ tức tiền mặt, mức định giá hiện tại cũng không hẳn là vô lý. Cũng có ý kiến cho rằng MSN được bị định giá thấp, nhưng nếu nhìn vào hệ số P/E thì mức định giá của cổ phiếu này cũng không hẳn là thấp.
Rốt cuộc, dù MCH được định giá cao hay MSN bị định giá thấp thì rõ ràng, MCH là cổ phiếu mơ ước của các nhà đầu tư. Và MCH không phải là cổ phiếu duy nhất mà cả một “mỏ vàng” trên sàn UPCoM đã lộ diện trong nửa đầu năm nay.
Điểm chung giữa FOX và MCH là đều có nền tảng cơ bản tốt khi lợi nhuận liên tục đi lên qua các năm bất chấp cả đại dịch; trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ khá hấp dẫn. Đồng thời, đều có thanh khoản thấp trước khi bước vào đợt tăng phi mã vừa qua (trước năm 2024, thanh khoản khớp lệnh mỗi phiên của FOX và MCH thường chỉ ở mức vài tỷ đồng, thậm chí chỉ vài trăm triệu đồng trong khi hiện nay thường xuyên dao động ở mức hàng chục tỷ đồng). Ví FOX và MCH như mỏ vàng mới được khai quật cũng không ngoa.
Nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM có nền tảng kinh doanh tốt như VGI của Viettel Global, ACV của “ông trùm” sân bay Vietnam Airport hay VEA của “ông lớn” ngành ô tô VEAM cũng đều đang bứt tốc. Thống kê cho thấy, từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu VGI đã tăng 244%, ACV tăng 90% và VEA tăng 37%.
Trên thực tế, không phải các nhà đầu tư không biết đến các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, “điểm yếu” của các cổ phiếu này là thanh khoản thấp, độ ì cao. Dẫu vậy, “điểm yếu” này lại trở thành điểm mạnh khi có dòng tiền lớn chảy vào, khiến giá cổ phiếu dễ dàng chinh phục các mốc cao mới.