Từ xin sân bay, cấm đường: Căn bệnh lợi ích cục bộ
Căn "bệnh" cục bộ địa phương, lợi ích địa phương có xu hướng lan rộng và đang bị biến tướng?
Từ việc ồ ạt xin làm sân bay tới chuyện cấm đường vận chuyển nông sản...
Tại tờ trình Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 lên Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án đến năm 2030 cả nước sẽ có 26 CHK, bao gồm 14 CHK quốc tế và 12 CHK nội địa. Định hướng đến năm 2050, số lượng CHK cả nước cũng chỉ dừng ở con số 30 CHK, gồm 15 CHK quốc tế và 15 CHK nội địa.
Không xuất khẩu được, nông sản kêu gọi giải cứu. Ảnh: Dân trí |
Tuy nhiên, đã có 8 địa phương từng đề xuất xây sân bay gồm Ninh Bình, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu và mới đây là Bình Phước, Bắc Giang, Hà Giang. Cả 8 địa phương này đều không nằm trong quy hoạch mà Cục Hàng không xây dựng.
Mặc dù các chuyên gia chuyên ngành, chuyên gia kinh tế đều khuyến cáo tính hiệu quả của các dự án sân bay nhỏ không cao, khó đảm bảo tính khả thi và khả năng thu hồi vốn cho dự án. Trái ngược với những khuyến cáo trên, các địa phương đều khẳng định tính hiệu quả của sân bay với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như cả nước. Điều này khiến giới chuyên gia lo ngại có tư duy cục bộ, địa phương, chạy theo dự án bất chấp những cảnh báo bởi thực tế, trong hàng loạt các sân bay nhỏ đang hoạt động thì hầu hết đều phải bù lỗ.
Cùng chung mối quan tâm trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, xu hướng giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một chủ trương đúng nếu việc giao quyền đó đi cùng với một hành lang pháp lý chặt chẽ, bảo đảm các quyền tự chủ của mỗi địa phương phải phù hợp với đường hướng chung của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, có hiện tượng xé rào mang tính đặc thù dẫn tới tình trạng địa phương nào cũng muốn xin, muốn có cơ chế đặc thù hướng tới lợi ích riêng cho địa phương mình.
"Ồ ạt làm sân bay, cảng biển là một biểu hiện vin vào quyền tự chủ, vin vào yếu tố đặc thù để chạy theo xin cơ chế có lợi cho địa phương mình.
Trên thực tế, để làm sân bay người ta phải căn cứ dựa trên nhu cầu và hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, bây giờ cách nhau 100km người ta cũng muốn làm sân bay. Dân nghèo, không có tiền, không có nhu cầu người ta vẫn muốn làm sân bay. Tôi không hiểu họ làm sân bay vì nhu cầu, vì để phát triển hay để cho oai?", vị chuyên gia băn khoăn.
Theo PGS Nguyễn Văn Nam, không chỉ có xin dự án sân bay, mà còn xin cơ chế điều chỉnh ngân sách như đề xuất của TP.HCM, hay mới đây là việc "cấm cửa" xe chở nông sản từ Hải Dương đi Hải Phòng vì lo ngại dịch bệnh.
"Pháp luật là hành lang pháp lý chung cho mọi đối tượng, mọi địa phương, tất cả đều phải tuân thủ. Tính ưu tiên chỉ nên xem xét với những trường hợp rất đặc thù, cá biệt, do đó, tiêu chuẩn, tiêu chí để ưu tiên cũng phải được quy định rất rõ ràng. Nếu cái gì không có trong quy định lại mở ra để xin cơ chế đặc thù thì không còn là đặc thù nữa mà như vậy cũng làm rối thêm, mỗi địa phương xin một thứ và mỗi địa phương áp dụng một kiểu, rất khó quản lý", PGS Nguyễn Văn Nam phân tích.
Đừng để lợi ích địa phương biến thành lợi ích cá nhân
Trước xu hướng trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng cần kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, tránh để trở thành phong trào.
Ông đồng tình với những quan điểm phải có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển. Lấy ví dụ như TP.HCM, vị chuyên gia phân tích, với lý do là địa phương đầu tầu, cần được đầu tư nhiều hơn để phát triển kinh tế thì các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương phải ngồi lại với nhau để xem tháo gỡ, giúp đỡ họ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng như thế nào? Cần phải đầu tư bao nhiêu là đủ? Việc này hoàn toàn có thể làm được. Quan trọng là nguồn lực giữ lại sẽ được sử dụng như thế nào? Có hiệu quả hay không?
Hay việc ồ ạt làm sân bay thì nhu cầu đi lại thế nào? Khả năng thu hồi tài chính ra sao...? Câu chuyện cấm đường vận chuyển nông sản xuất khẩu của Hải Dương vì sự an toàn của địa phương mình nhưng đã để lại hậu quả thế nào?
"Có một thực tế khiến người ta băn khoăn là tình trạng tham nhũng, thất thoát tại các địa phương, đặc biệt là TP.HCM vẫn còn bức xúc. Đơn cử là hàng loạt cán bộ, lãnh đạo địa phương đã dính án liên quan tới đất đai, quản lý tài chính, thuế, hải quan...
Những vụ án đã bị khởi tố, những cán bộ phải ra trước vành móng ngựa chính là minh chứng cho sự chuyển hóa từ lợi ích địa phương sang lợi ích cá nhân nên các cơ quan quản lý phải lưu tâm", vị PGS chỉ rõ.
Để khắc phục tình trạng trên, vị chuyên gia cho rằng trước tiên là phải hoàn thiện chính sách pháp luật chung, trên cơ sở đó, mọi sự ưu tiên, ưu đãi đều phải dựa trên sự tuân thủ các quy định của pháp luật.