Tuyến ‘huyết mạch’ hơn 20.000 tỷ ở tỉnh có khu kinh tế lâu đời nhất Việt Nam dồn lực để 'về đích'

'Vượt nắng thắng mưa' để đẩy nhanh tiến độ, tuyến cao tốc thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng dự kiến sẽ thông tuyến kỹ thuật trong năm 2025.

Huy động tổng lực người và phương tiện "vượt nắng thắng mưa" để "về đích"

Mới đây, Tập đoàn Đèo Cả - nhà thầu thi công Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn xác nhận đơn vị đã huy động tổng lực người và phương tiện tham gia thi công trước thời điểm bắt đầu vào mùa mưa, nhằm đạt tiến độ đã đề ra.

Hướng đoạn tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Sơn. Ảnh: Internet
Hướng đoạn tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Sơn. Ảnh: Internet

Thời điểm hiện tại, trên công trường đã huy động hơn 4.000 nhân sự với 1.720 thiết bị, triển khai ở 45 mũi thi công, làm việc 3 ca; đặc biệt thi công 24/24 không ngừng nghỉ ở những hạng mục hầm.

Ở gói thầu XL 03 (dài 30,8km) kéo dài từ TX. Đức Phổ (Quảng Ngãi) đến TX. Hoài Nhơn (Bình Định), hầm số 3 với chiều dài 3,2km hiện đang được các đơn vị miệt mài thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Sau khi hoàn thành, đây sẽ là hầm xuyên núi dài nhất trên tuyến Bắc - Nam, nhà thầu hiện đã thi công được 1,3km đường hầm bên trái và 1,4km đường hầm bên phải.

Theo dự kiến, hầm xuyên núi số 3 sẽ hoàn thành vào tháng 6/2025, tiến tới mục tiêu thông tuyến kỹ thuật cao tốc vào cuối năm 2025.

Quá trình thi công hầm xuyên núi được xem là công đoạn "khó nhằn" với nhiều thách thức đối với các kỹ sư, công nhân kỹ thuật trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đáng nói trên đoạn tuyến này có đến 3 hầm xuyên núi và hàng chục cây cầu.

Nhà thầu huy động nhân lực và máy móc để đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Phạm Anh
Nhà thầu huy động nhân lực và máy móc để đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Phạm Anh

Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được khởi công vào 1/2023; đây là dự án có vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, lớn nhất trong số 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.

Tuyến cao tốc 20.000 tỷ đồng có chiều dài 88km, đi qua 4 huyện, thị xã của tỉnh Quảng Ngãi và thị xã Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định.

Gói thầu XL 02 dài 27km đi qua TX. Đức Phổ (Quảng Ngãi) có 2 hầm xuyên núi và 29 cầu. Thời điểm hiện tại, nhà thầu đã thông 2 hầm xuyên núi số 1 (dài 610m) và hầm xuyên núi số 2 (dài 700m); hoàn thành thi công vỏ bê tông bên phải của cả 2 hầm này.

Ở gói thầu XL 01 dài 30km đi qua các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức (Quảng ngãi), đơn vị thi công đã thi công cọc khoan nhồi được 23/31 cầu và nhà thầu quyết tâm sẽ hoàn thành nền đường trong tháng 9/2024 (trước mùa mưa bão tại Quảng Ngãi).

Theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn Đèo Cả, tính đến thời điểm hiện tại, luỹ kế sản lượng của công trình cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã đạt hơn 5.034 tỷ đồng, tương đương hơn 37% tổng khối lượng của hợp đồng.

Tập đoàn Đèo Cả đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ tiến hành thông tuyến kỹ thuật và đưa vào khai thác trong quý II/2026.

Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được triển khai với mục tiêu chính là thu hút lưu lượng giao thông trong khu vực và kết nối các điểm du lịch cũng như thương mại quan trọng của hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định: Bao gồm Bãi biển Sa Huỳnh, Cảng Quy Nhơn, Tam Quan và nhiều địa điểm khác.

Các dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam dự kiến sẽ giải quyết hiệu quả vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách giữa các tỉnh miền Trung; giảm thiểu thời gian vận chuyển, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế và dịch vụ du lịch trong khu vực.

"Tuyến huyết mạch" cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng tạo cơ hội cho việc phát triển hệ thống hạ tầng và cải thiện điều kiện sống, mở ra cơ hội đầu tư và quy hoạch cho các nhà đầu tư.

Chờ "gỡ khó" phần hạ tầng

Dù đã hoàn thành được phần lớn hạng mục của công trình nhưng hiện nay dự án vẫn chờ được "gỡ khó" để có thể "về đích".

Cụ thể, công tác di dời hạ tầng trong phạm vi của dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi) hiện đã đạt được 90% khối lượng.

Đường dây điện sinh hoạt của người dân hiện vẫn chưa được di dời. Ảnh: Phạm Anh
Đường dây điện sinh hoạt của người dân hiện vẫn chưa được di dời. Ảnh: Phạm Anh

Trong đó:

Dự án đã di dời toàn bộ 8 tuyến đường dây cao thế 220kV, 110kV và tiến hành bàn giao mặt bằng cho BQLDA 2; Tiến hành di dời 133/135 vị trí cột đường dây trung thế, 299/456 vị trí cột đường dây hạ thế, 210/274 vị trí cột viễn thông, 1/2 trạm BTS và 2/5 vị trí nước sạch sinh hoạt.

Tuy nhiên thực tế vẫn còn một số công trình công cộng tiến độ di dời vẫn còn chậm như: Cáp ngầm cắt ngang nhà ở của người dân; một số vị trí di dời nằm trong phạm vi diện tích điều chỉnh, bổ sung cọc mốc giải phóng mặt bằng... khiến dự án chưa thể triển khai thi công.

Đơn cử như tại Km6, dây điện 0,4kV cùng đường điện dân sinh hiện vẫn còn trên tuyến, chưa di dời khiến các đơn vị vận chuyển vật liệu thi công cao tốc gặp nhiều trở ngại.

Tuyến ‘huyết mạch’ hơn 20.000 tỷ ở tỉnh có khu kinh tế lâu đời nhất Việt Nam dồn lực để 'về đích' - Ảnh 1

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho rằng nếu hạ tầng chưa hoàn thành di dời trước thời điểm mùa mưa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ của dự án.

Trong cuộc họp với BQLDA 2 diễn ra vào ngày 25/7 giữa nhà thầu thi công dự án, các Sở, ngành với địa phương của tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ông Trần Phước Hiền đã yêu cầu các đơn vị và địa phương liên quan tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công tiến hành tuyên truyền và vận động người dân ủng hộ để việc thi công cao tốc đảm bảo "về đích" đúng tiến độ.

Tỉnh Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nằm phía Bắc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Theo quy hoạch đến năm 2025, tỉnh Quảng Ngãi sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung.

Quảng Ngãi cũng là nơi "tọa lạc" của Khu kinh tế Dung Quất - Khu kinh tế theo hướng mở của Việt Nam, là một trong những khu kinh tế lâu đời bậc nhất cả nước (sau Khu kinh tế mở Chu Lai).

Thanh Sơn

Theo Chất lượng và cuộc sống