Tỷ giá tăng trở lại: Diễn biến bất ngờ gây lo ngại
Tỷ giá VND/USD quay đầu tăng trở lại. Nhiều ý kiến cho rằng áp lực tỷ giá giai đoạn cuối năm không đáng ngại nhưng hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn rất cần được xem trọng.
Tỷ giá VND/USD tăng theo diễn biến thế giới
Sau khi lao dốc vào tháng 8 và tháng 9, tỷ giá USD/VND trong nước bất ngờ bật tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 10.
Tỷ giá VND/USD tăng nhanh trở lại sau khi chỉ số DXY (đo sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền chủ chốt khác) đạt mức cao nhất trong bảy tuần qua.
Chỉ số DXY đã tăng 2,1% trong cả tuần qua. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2022.
Ngày 11/10, chỉ số DXY đã tiến sát mốc 103 điểm, từ mức 100 điểm hồi giữa tháng 9.
Diễn biến tăng mạnh của tỷ giá USD/VND xuất hiện trong bối cảnh đồng bạc xanh vừa ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong vòng hai năm qua so với các đồng tiền chủ chốt khác. Cụ thể, chỉ số đồng USD - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so
Giá USD trên thị trường quốc tế tăng trở lại được cho là phản ứng của giới đầu tư trước số liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 9 của Mỹ với báo cáo đã tạo ra 254 nghìn việc làm, cao hơn nhiều so với tháng 8 là 159 nghìn và vượt xa dự báo. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 của Mỹ ở mức 4,1%, thấp hơn so với con số 4,2% trong tháng 8.
Giới phân tích dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thu hẹp biên độ giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 11 tới sau khi nền kinh tế Mỹ vừa đón nhận dữ liệu tích cực về việc làm.
Theo Chứng khoán Maybank, dữ liệu này cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn khá mạnh và Fed không nhất thiết phải quyết liệt cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Cùng với đó, đồng đô la Mỹ đã được hưởng lợi từ vị thế tài sản trú ẩn an toàn giữa những lo ngại ngày càng tăng về căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Đối với thị trường trong nước, bên cạnh sức ép từ thị trường quốc tế, giá USD cũng hồi phục sau nhịp giảm sâu còn do nhu cầu ngoại tệ có xu hướng gia tăng.
Bộ phận nghiên cứu thị trường của Ngân hàng ACB nhận định, nhu cầu ngoại tệ thanh toán của nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và FDI phát sinh trong nửa đầu tháng 10 kết hợp với đà tăng mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới là yếu tố chính hỗ trợ cho mức tăng gần 1,2% của tỷ giá USD/VND tính từ đầu tháng 10 đến nay.
Sự tăng giá trở lại của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế cùng với nhu cầu ngoại tệ khiến thị trường trong nước cũng tăng theo.
Tỷ giá VND/USD tăng đáng kể trong những ngày qua. Tỷ giá trung tâm ngày 11/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.175 đồng/USD, tăng 3 đồng so với mức niêm yết hôm qua.
Giá USD niêm yết tại các ngân hàng cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua.
Vietcombank sáng nay niêm yết giá USD mua vào ở mức 24.630 đồng/USD, bán ra ở mức 25.020 đồng/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá mua USD hiện nằm trong khoảng 24.640-24.670 đồng/USD còn giá bán ra dao động trong phạm vi 25.016-25.060 đồng/USD.
Từ đầu tháng 10 đến nay, giá USD ở các ngân hàng đã tăng tới khoảng gần 300 đồng, tương đương mức tăng khoảng 1,2%. Đây là mức tăng khá mạnh sau đợt giảm liên tiếp 2 tháng trước.
Trên thị trường tự do, giá USD hiện được giao dịch ở mức 25.240-25.340 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng khoảng 250 đồng so với giữa tháng 9.
Đáng chú ý, trong 2 ngày cuối tháng 9, giá USD trên thị trường phi chính thức tăng vọt 330 đồng, gần như lấy lại những gì đã mất trong nửa đầu tháng 9.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND đã tăng gần 300 đồng/USD (tương đương 1,2%) so với cuối tháng 9.
Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, diễn biến giá USD tăng trên thị trường tự do và ngân hàng thương mại mấy ngày qua là chưa đáng lo. Nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn dồi dào.
Tỷ giá cuối năm ra sao?
Với sự chủ động và linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cùng với những tín hiệu tích cực từ thị trường tiền tệ thế giới đã làm vơi đi áp lực lên tỷ giá USD/VND. Đến nay, VND mất giá khoảng 1,66% so với đồng USD. Đây là mức mất giá phù hợp và cũng tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
VND được dự báo sẽ không chịu nhiều áp lực mất giá trong quý IV do Fed đã khởi động chu kỳ cắt giảm lãi suất và nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) dự báo tỷ giá USD/VND sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.700-24.900 đồng/USD trong quý IV nhờ những yếu tố tích cực như: thặng dư thương mại tích cực (khoảng 19,1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm), dòng vốn FDI và du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo VND sẽ không có áp lực mất giá đáng kể do Fed đã khởi động chu kỳ cắt giảm lãi suất.
VDSC đánh giá với việc áp lực tỷ giá không lớn, NHNN có thể tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống (nếu cần) trong quý IV.
Các chuyên gia của Chứng khoán Maybank nhận định, dù tỷ giá đã có những biến động tăng trong thời gian qua nhưng áp lực lên tỷ giá sẽ không kéo dài.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn lo ngại về diễn biến tỷ giá trong giai đoạn cuối năm nay.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, diễn biến tỷ giá từ nay tới cuối năm vẫn là một con đường “gập ghềnh”.
Theo ông Hiếu, nhà điều hành sẽ đối mặt với 2 vấn đề. Một là phải tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì lãi suất thấp. Hai là phải ngăn chặn dòng vốn hút ra do lãi suất Việt Nam quá thấp so với toàn cầu.
Ông Hiếu dự báo cuối năm 2024, tỷ giá vẫn sẽ căng thẳng. Nhưng ước sang nửa đầu năm 2025, những sức ép về lạm phát, tăng trưởng kinh tế sẽ dịu bớt và tỷ giá không còn nhiều áp lực nữa.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, cũng cho rằng tỷ giá vẫn còn đợt sóng cuối năm nay, rơi vào khoảng tháng 11 và 12. Bởi đó là những thời điểm mùa vụ, nhu cầu nhập khẩu để sản xuất kinh doanh và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa để bán trong nước cũng tăng do kinh tế hồi phục, tiêu dùng tăng trở lại. Vì vậy, các hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn rất cần được xem trọng trong thời gian tới.