USD giảm sâu: Hành động từ nhà điều hành và phản ứng của tỷ giá

Tỷ giá VND/USD hạ nhiệt và dự kiến tiếp tục giảm vào những tháng cuối năm. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá vơi bớt, cơ quan điều hành đã thực hiện một loạt động thái nhằm ổn định thị trường.

Tỷ giá hạ nhiệt, Kho bạc bơm lượng lớn VND

Sau giai đoạn "nổi sóng" vào tháng 4, tỷ giá VND/USD trong 2 tháng tiếp theo có phần bớt nóng nhưng vẫn neo ở mặt bằng cao.

Cuối tháng 6, giá USD bán ra trên thị trường tự do đã vượt 26.000 đồng/USD. Còn giá USD tại các ngân hàng thương mại vượt xa mốc 25.000 đồng/USD cả chiều mua và bán. Tỷ giá bán trong giai đoạn này tiến sát ngưỡng 25.500 đồng/USD.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 7, tỷ giá VND/USD đã hạ nhiệt cả trên thị trường tự do và kênh ngân hàng. Diễn biến tỷ giá cho thấy xu hướng dịu đi khá rõ.

Cuối tháng 8 đầu tháng 9, tỷ giá VND/USD giảm mạnh. Có nhiều phiên, giá USD giảm tới hơn 100 đồng.

Ngày 26/8, giá USD tại các ngân hàng đồng loạt giảm hơn 100 đồng. Tới ngày 27/8, giá USD tại các ngân hàng tiếp tục giảm sâu, có một số ngân hàng 'thủng' mốc 25.000 đồng/USD. Đến ngày 28/8, giá USD tại các ngân hàng có xu hướng hồi phục, chiếm lại mốc 25.000 đồng/USD.

Tới ngày 5/9, giá USD tại các ngân hàng đồng loạt giảm sâu, có ngân hàng hạ tới 260 đồng ở chiều mua, mất mốc 25.000 đồng/USD, về mức thấp nhất gần 6 tháng.

Kết phiên 5/9, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 24.550-24.920 đồng/USD, giảm 130 đồng so với sáng qua (4/9). VietinBank đưa giá USD xuống mức 24.420-24.920 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 260 đồng ở chiều mua và giảm 100 đồng ở chiều bán.

Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng hiện tương đương vùng giao dịch giữa tháng 3, tức thấp nhất gần 6 tháng.

Tỷ giá USD trên thị trường tự do giảm nhanh và hiện giao dịch ở mức 25.215-25.295 đồng/USD. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 2. So với mức đỉnh 26.030 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn 750 đồng, tương đương giảm khoảng 3%.

Giá USD quốc tế giảm mạnh tác động mạnh đến xu hướng của tỷ giá trong nước. Chỉ số US Dollar Index (DXY) hiện đã xuống mức 101 điểm, tức là giảm tới hơn 1,65% trong thời gian ngắn.

USD giảm sâu: Hành động từ nhà điều hành và phản ứng của tỷ giá - Ảnh 1

Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND giảm sâu trong những tuần gần đây trước thềm cuộc họp chính sách giữa tháng này của Fed, ngày 5/9, Kho bạc Nhà nước (KBNN) thông báo mua khối lượng dự kiến tối đa là 150 triệu USD từ các ngân hàng thương mại.

Số ngoại tệ này sẽ được mua theo hình thức giao ngay trong ngày 6/9 và ngày thanh toán dự kiến là 10/9. Ước tính, số tiền mà KBNN sẽ chi ra để thực hiện giao dịch này vào khoảng 3.700 tỷ đồng.

Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm KBNN thông báo mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại.

Trước đó, vào 22/5/2024, KBNN cũng chào mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại với khối lượng dự kiến tối đa 100 triệu USD. Lượng ngoại tệ này sẽ được sử dụng để đáp ứng cho các nhiệm vụ chi bằng ngoại tệ qua KBNN.

Việc KBNN mua vào lượng lớn USD sẽ làm tăng thanh khoản tiền Đồng trong hệ thống ngân hàng nói chung và nền kinh tế nói riêng.

Trước đó, trong bối cảnh áp lực tỷ giá đã vơi bớt, kể từ đầu tháng 8, NHNN đã thực hiện một loạt động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thiết lập mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn.

Lãi suất OMO đã giảm 25 điểm cơ bản xuống mức 4,25% vào hồi đầu tháng 8, đồng thời kỳ hạn được tăng từ 7 ngày lên 14 ngày vào phiên ngày 26/8.

Đồng thời, NHNN cũng giảm lãi suất tín phiếu ba lần trong tháng 8 với mức giảm tổng cộng là 35 điểm cơ bản xuống mức 4,15% và dừng phát hành tín phiếu từ phiên ngày 26/8.

Tỷ giá sẽ tiếp tục hạ nhiệt, có lợi cho nền kinh tế

Theo giới phân tích, tỷ giá VND/USD từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục hạ nhiệt.

Báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết xu hướng tăng giá của tiền đồng tiếp diễn trong tháng qua nhờ đồng USD giảm mạnh.

Một số dự báo cho hay, DXY có thể lùi về vùng 98-99 điểm vào cuối quý III thì khả năng thì tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

USD giảm sâu: Hành động từ nhà điều hành và phản ứng của tỷ giá - Ảnh 2

Chứng khoán MBS cho rằng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 25.300-25.700 VND/USD trong thời gian còn lại năm 2024 dưới những yếu tố tích cực như: thặng dư thương mại tích cực, FDI giải ngân đạt hơn 12,5 tỷ USD và du lịch phục hồi mạnh mẽ.

Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo tỷ giá USD/VND liên ngân hàng về dưới 25.000 đồng/USD sẽ xảy ra sớm hơn trong kịch bản tích cực.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam - nhìn nhận tỷ giá trong những tháng cuối năm, đặc biệt là quý IV có thể đi ngang và biến động nhẹ loanh quanh mức 25.000 đồng/USD.

Áp lực tỷ giá giảm bớt đã tác động tích cực lên nền kinh tế.

Theo giới phân tích, việc tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng không những giúp NHNN có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ mà còn giúp cho nhiều doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính từ khoản chênh lệch tỷ giá. Các nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cao như thép, xăng dầu,… hay các nhóm có nợ ngoại tệ cao như hàng không, điện, thép, ô tô… sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc tỷ giá hạ nhiệt.

Tỷ giá giảm không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi mà việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng khởi sắc hơn vì chênh lệch lãi suất ít đi, cộng thêm tỷ giá ổn định tạo ra tâm lý khá yên tâm cho giới đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không nên chủ quan, bởi bên cạnh những tín hiệu tích cực thì lạm phát cũng đang gia tăng do nhiều yếu tố như giá lương thực thế giới, tăng lương cơ bản và mức nền thấp của năm ngoái.

Các chuyên gia lưu ý hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn rất cần được xem trọng trong thời gian tới vì kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn phục hồi chậm và còn nhiều cuộc xung đột đang diễn ra.

Giới chuyên môn khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú trọng tới hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong thời gian tới. Đặc biệt, với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mà chịu tác động bởi tỷ giá, cần xây dựng một chiến lược quản lý rủi ro tỷ giá phù hợp, từ đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giảm thiểu rủi ro hoạt động.

Linh Anh

Theo VietnamFinance