Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn: Muốn làm ăn lâu dài ở "trời Âu" doanh nghiệp Việt phải giữ chữ tín

Các DN châu Âu không chấp nhận kiểu làm ăn "sáng nắng chiều mưa". Với họ, chất lượng sản phẩm, giá cả ổn định và lòng tin là rất quan trọng. Đặc biệt, người châu Âu quan tâm đến trách nhiệm của chủ doanh nghiệp với người lao động chứ không chỉ chú trọng hàng hóa. Vì vậy muốn làm ăn lâu dài với họ đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải giữ chữ tín.

Đó là ý kiến của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đưa ra tại buổi tọa đàm "Cục Hải quan TP.HCM và doanh nghiệp đồng hành thực hiện EVFTA”.

Hiện châu Âu là thị trường thứ 3 về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và đứng thứ 5 về vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau các nước Đông Á.

Sau 9 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được Quốc hội thông qua và đưa vào thực thi vào tháng 8/2020 đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn chiếm đa số trong các doanh nghiệp Việt) khi gỡ bỏ các rào cản về thuế và rào cản khác cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường châu Âu.

Đồng thời EVFTA cũng đưa ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể về hàng hóa để doanh nghiệp nhỏ và vừa căn cứ vào đó mà thực hiện. Điều này các doanh nghiệp lớn đã thực hiện từ lâu nên không chịu tác động nhiều.

Để có thể tận dụng tốt các cơ hội đến từ EVFTA, các doanh nghiệp trước hết cần tìm hiểu thật kỹ nội dung của hiệp định này.  
Để có thể tận dụng tốt các cơ hội đến từ EVFTA, các doanh nghiệp trước hết cần tìm hiểu thật kỹ nội dung của hiệp định này.  

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA vừa là cơ hội, giúp doanh nghiệp hồi phục sau tác động của dịch Covid-19 nhưng cũng là thách thức lớn buộc các doanh nghiệp nội phải cơ cấu lại chuỗi sản xuất, hàng hóa để sản phẩm có sức cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa cũng như có thể đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa xuất vào thị trường châu Âu.

Để có thể tận dụng tốt các cơ hội đến từ EVFTA, các doanh nghiệp trước hết cần tìm hiểu thật kỹ nội dung của hiệp định này, tránh mơ hồ, nhầm lẫn, dẫn đến sai sót không đáng có.

Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng thông tin, TP.HCM là địa bàn với hơn 50.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong thời gian qua, Cục Hải quan TP.HCM là nơi được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chọn triển khai thí điểm các quy định, quy trình thí điểm mới, cũng như triển khai 12 hiệp định của Việt Nam và đối tác nước ngoài.

Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức tập huấn, giới thiệu các nội dung cụ thể liên quan đến các văn bản hướng dẫn mới nhất về Hiệp định EVFTA nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam và EU nắm bắt và khai thác được tối đa lợi ích mà EVFTA mang lại, cũng như nghĩa vụ phải thực thi.

Đến nay, hơn 50% khối lượng hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và EU đi qua các cửa khẩu, cảng của TP.HCM. Do đó, việc Hải quan TP.HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ thực thi Hiệp định EVFTA trong thời gian tới có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu của cả hai bên.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), đánh giá sức lan tỏa của hiệp định EVFTA đến nay mới được khoảng 60%. Những doanh nghiệp đã tận dụng được lợi thế hiệp định, thực hiện các lô hàng xuất khẩu đi châu Âu ngay khi hiệp định có hiệu lực là những doanh nghiệp nhạy bén hơn, còn một số doanh nghiệp chưa tận dụng được.

Theo Chủ tịch IPP, để tiếp tục lan tỏa của hiệp định EVFTA đến với 40% số doanh nghiệp còn lại, ngành hải quan nên tập trung đưa các thông điệp trong hiệp định có liên quan đến hoạt động thương mại. Với việc nắm bắt kịp thời các thông tin, đặc biệt là thông tin thuế quan từ hiệp định, doanh số xuất khẩu sẽ tăng cao hơn nhiều so với hiện nay.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn lâu dài tại "trời Âu" thì bắt buộc phải giữ chữ tín.  
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn lâu dài tại "trời Âu" thì bắt buộc phải giữ chữ tín.  

Chia sẻ thêm, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đã "thắng lớn” trong Hiệp định này.

Vì trước khi EVFTA có hiệu lực, hàng thời trang từ châu Âu và Việt Nam phải chịu 30% biểu thuế xuất nhập khẩu và 10% thuế giá trị gia tăng trong khi các thị trường lân cận như Singapore, Hồng Kông nhập hàng châu Âu bán thuế 0%. Đó cũng là lý do khiến trước đây nhiều người Việt sang các nước để mua hàng hiệu thay vì mua trong nước.

Chủ tịch IPP nhận định rằng, trong vài ba năm tới, khi Việt Nam có những khu mua sắm phi thuế quan, cơ hội cho người Việt và khách du lịch đến Việt Nam mua hàng hiệu giá tốt sẽ gia tăng. Hàng châu Âu vào Việt Nam nhiều hơn cũng sẽ giúp tăng khả năng cân bằng thương mại giữa hai Việt Nam và châu Âu. Ước tính các khu kinh tế như Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Đà Nẵng sẽ tiêu thụ 3-5 tỉ USD/năm hàng hóa từ EU.

Nói về kinh nghiệm ăn ở thị trường châu Âu, "ông vua hàng hiệu" ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng quan trọng phải giữ uy tín, ổn định giá cả, cam kết chất lượng và thể hiện có trách nhiệm xã hội.

“Châu Âu không chấp nhận kiểu làm ăn "sáng nắng chiều mưa". Với họ, chất lượng sản phẩm, giá cả ổn định và lòng tin là rất quan trọng. Không chỉ thế, người châu Âu quan tâm đến trách nhiệm cộng đồng xã hội, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp với người lao động chứ không chỉ chú trọng hàng hóa. Vì vậy làm ăn lâu dài với họ đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải giữ chữ tín”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn lưu ý.

Các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại tọa đàm: "Cục Hải quan TP.HCM và doanh nghiệp đồng hành thực hiện EVFTA”.  
Các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại tọa đàm: "Cục Hải quan TP.HCM và doanh nghiệp đồng hành thực hiện EVFTA”.  

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, EVFTA là Hiệp định tương đối đặc biệt “mở và mạnh nhất” cũng như có tác động đa diện hơn so với các Hiệp định trước. Do đó, các doanh nghiệp nội cũng có nhiều cơ hội hơn.

Để khai thác những lợi ích này, các doanh nghiệp phải có một số lưu ý, thứ nhất là đảm bảo xuất xứ về hàng hóa xuất khẩu của mình. Thứ hai, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, nhất là vệ sinh thực phẩm, những tiêu chí về kỹ thuật khác. Thứ ba là cần phải đảm bảo các điều kiện giao nhận theo đúng hợp đồng, có sự chuẩn bị kỹ cho tất cả những tranh chấp xảy ra.

Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Ngay cả vấn đề về xuất xứ, các doanh nghiệp Việt được phép đăng ký xuất xứ và hưởng ngay những lợi ích từ việc đáp ứng được yêu cầu xuất xứ này. Nhưng nếu mà bị nghi ngờ thì buộc phải cung cấp tài liệu chứng cứ. Nếu không sẽ bị phạt rất nặng. Do đó, các doanh nghiệp Việt phải chủ động nắm bắt được yêu cầu cũng như tranh thủ được những cơ hội để có những cơ hội cạnh tranh so với hàng của các nước khác”.

Phạm Đức

Theo Doanh nghiệp Việt Nam/link: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/ty-phu-johnathan-hanh-nguyen-muon-lam-an-lau-dai-o-troi-au-doanh-nghiep-viet-phai-giu-chu-tin/20201007014411105