Ước vọng Cần Giờ: Cực kinh tế biển lớn nhất nước

TP.HCM dự tính nguồn thu lên đến hàng trăm nghìn tỷ từ khu vực Cần Giờ trong thời gian tới. Trong đó thu từ siêu cảng quốc tế khoảng 40.000 tỷ đồng/năm; bên cạnh đó là nguồn thu từ hoạt động du lịch, kinh doanh, thương mại của chuỗi đô thị sinh thái, khu đô thị lấn biển Cần giờ.

Hai trọng điểm cảng trung chuyển quốc tế và đô thị lấn biển

Chủ tịch UBND P.HCM Phan Văn Mãi cho biết, phấn đấu đến ngày 2/9/2025 sẽ khởi công và triển khai giai đoạn 1 của dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Đây là một dự án chiến lược, khi hình thành sẽ cùng với Cái Mép trở thành một cụm cảng trung chuyển quốc tế; từ đó khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ cảng trung chuyển quốc tế; tham gia vào chuỗi cung ứng trung chuyển toàn cầu.

Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 16/1/2025 của Thủ tướng Chính, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thực hiện ở Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Cảng sẽ thực hiện các dịch vụ liên quan khai thác cảng container, cảng biển và các dịch vụ khác.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (ảnh phối cảnh)
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (ảnh phối cảnh)

Dự án sử dụng khoảng 571 ha đất, tổng kinh phí đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư nhưng không thấp hơn 50.000 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.

Thủ tướng giao TP HCM đấu thầu chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án theo quy định. Nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tính toán sơ bộ của cơ quan chức năng, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi được đầu tư hoàn chỉnh, đạt công suất thiết kế vào năm 2045 sẽ có nguồn thu 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm. Nguồn này lấy từ các khoản thuế hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp cùng các loại phí hàng hải, thuê mặt nước...

Ngoài ra, theo đề án, cảng ở Cần Giờ sẽ thu hút vốn lớn từ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tạo việc làm cho 6.000-8.000 nhân viên, lao động tại cảng cùng hàng chục nghìn người phục vụ ở khối hậu cần, trung tâm logistics sau cảng...

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3800/QĐ-UBND ngày 5/9/2018.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ rộng 2.870ha sẽ có quảng trường, sân golf, resort, sân vận động và tòa tháp cao 108 tầng mang tính biểu tượng.

Khu vực quy hoạch gồm: Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, M.I.C.E (hội thảo hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng), đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn…

Quy mô dân số tối đa 228.560 người, có thể đón khoảng 8,8 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Khi hoàn thành, khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ bảo đảm cung cấp nhiều bãi tắm công cộng, biển hồ với tổng diện tích lớn, đáp ứng nhu cầu tắm biển cho người dân, khách du lịch tại TP. HCM.

Cực kinh tế biển lớn nhất nước

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP. HCM có bốn bề là sông và biển, giống như hòn đảo biệt lập. Đây là vùng ngập mặn chiếm tới 56,7% diện tích toàn huyện, tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, phong phú về động thực vật, được UNESCO công nhận là 'khu dự trữ sinh quyển' thế giới đầu tiên tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2030 – 2040, TP.HCM kỳ vọng phát triển Cần Giờ trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.

Với chuỗi đô thị Cần Giờ, Cảng trung chuyển chuyển tố, TP. HCM kỳ vọng Cần Giờ sớm trở thành cực kinh tế biển lớn nhất nước.

Ước vọng Cần Giờ: Cực kinh tế biển lớn nhất nước - Ảnh 1

TP. HCM đã chính thức ban hành nghị quyết riêng nhằm xác định phát triển Cần Giờ trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái biển chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Theo đó, mục tiêu đặt ra, tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của huyện tăng 20,7%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiếm 74,7% tổng giá trị sản xuất; thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch đạt 100%.

Quy hoạch cũng tập trung khai thác đồng bộ các tuyến phà kết nối xã Long Hòa, xã Lý Nhơn với thị trấn Vàm Láng và xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; nghiên cứu phát triển đường trên cao dọc tuyến đường Rừng Sác vào Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, bảo đảm phát triển giao thông với bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan, môi trường khu vực.

Thành phố cũng sẽ hỗ trợ Cần Giờ nâng cấp các tuyến đường nhánh nỗi trung tâm các xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn với đường Rừng Sác; đường vành đai kết nối 4 xã phía bắc; nút giao thông kết nối đường Rừng Sác với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành… giúp Cần Giờ phát huy lợi thế, tiềm năng biển và trở thành một trong những không gian mới, động lực mới thúc đẩy phát triển cho TP. HCM.

Để kết nối TP. HCM với Cần Giờ, thành phố cũng đã có kế hoạch xây dựng cầu Cần Giờ. Cầu Cần Giờ có tổng mức đầu tư 9.982 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, ngân sách thành phố chi gần 4.000 tỷ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư bỏ chi phí xây lắp.

Công trình sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2022 - 2023, khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2028.

Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ sẽ thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TP. HCM với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực, qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

 

Trần Lê

Theo Vietnamfinance