Vận đen liên tiếp tìm đến Alibaba: Cổ phiếu lao dốc mạnh chưa từng thấy, 200 tỷ USD vốn hóa bị 'thổi bay'

Trong phiên 24/12, cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay, khi giới đầu tư lo ngại về cuộc điều cho chống độc quyền của Bắc Kinh nhắm đến tập đoàn này.

Vận đen liên tiếp tìm đến Alibaba: Cổ phiếu lao dốc mạnh chưa từng thấy, 200 tỷ USD vốn hóa bị 'thổi bay' - Ảnh 1

Ngoài ra, Ant Group – thuộc sở hữu của Alibaba, cũng được triệu tập đến một cuộc họp cấp cao về quy định tài chính. Hiện tại, áp lực đối với Jack Ma diễn ra trong thời điểm Trung Quốc kiềm chế sự bành trướng của các công ty công nghệ lớn. Giới chức nước này đã đưa ra các quy tắc chống độc quyền hồi tháng 11, cho phép chính phủ có thể hạn chế các doanh nhân trong việc mở rộng phạm vi hoạt động.

Theo Vey-Sern Ling – nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cuộc điều tra nhắm vào Alibaba là một cảnh báo rằng “gió đã đổi chiều”. Ông nhận định, hoạt động kinh doanh của họ có thể gặp phải những khó khăn trong dài hạn khi đối mặt với những động thái như vậy.

Vận đen liên tiếp tìm đến Alibaba: Cổ phiếu lao dốc mạnh chưa từng thấy, 200 tỷ USD vốn hóa bị 'thổi bay' - Ảnh 2

Cổ phiếu Alibaba giảm mạnh nhất kể từ hồi tháng 7.

Ở phiên 24/12 tại Mỹ, cổ phiếu Alibaba giảm 13% – mức giảm kỷ lục trong 1 ngày. Sự sụt giảm này đã đưa cổ phiếu Alibaba xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 và mã này hiện giảm 30% so với mức đỉnh hồi tháng 10. Gần 141 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công phiên này – khối lượng giao dịch lớn nhất kể từ khi IPO vào năm 2014. Trong một thông báo, Alibaba cho biết họ sẽ hợp tác với các cơ quan quản lý trong cuộc điều tra và hoạt động hiện vẫn diễn ra bình thường.

Tại Hồng Kông, cổ phiếu Alibaba giảm 8%, rơi xuống mức đáy trong 5 tháng vào phiên 24/12. Kể từ khi thương vụ niêm yết của Ant gặp trở ngại, vốn hóa của Alibaba cũng mất gần 200 tỷ USD. Trong khi đó, cổ phiếu Tencent và Meituan cũng không tránh được đà giảm, đều mất hơn 2,6%.

Từng được ca ngợi là động lực thúc đẩy sự thịnh vượng cho nền kinh tế và biểu tượng cho tiềm lực công nghệ của Trung Quốc, Alibaba và các đối thủ như Tencent hiện đang phải đối diện với áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý. Động thái này diễn ra sau khi thu hút hàng trăm triệu người dùng và tạo sự ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc.

Dong Ximiao – nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính Internet Zhongguancun, cho biết: “Đây rõ ràng là sự leo thang trong những nỗ lực phối hợp nhằm kiểm soát đế chế của Jack Ma – biểu tượng của 1 doanh nghiệp ‘quá lớn để sụp đổ’ của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn thấy 1 công ty có quy mô nhỏ hơn, ít thống trị hơn và tuân thủ quy tắc nghiêm ngặt hơn”.

Hiện tại, Tổng Cục Quản lý Giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) đang điều tra Alibaba về chống độc quyền nhưng không đưa ra thông tin chi tiết. Trong khi đó, các cơ quan quản lý bao gồm NHTW, cơ quan giám sát ngành ngân hàng sẽ giám sát Ant Group và đưa ra những quy định tài chính ngày càng nghiêm ngặt. Đây sẽ là động thái đe dọa sự phát triển của công ty fintech lớn nhất thế giới.

Kể từ sau khi thương vụ IPO của Ant bị đình chỉ, Jack Ma đã không xuất hiện trước công chúng. Nguồn thạo tin cho biết, cơ quan chức năng đã khuyến cáo ông ở lại trong nước.

Dù chuẩn bị đưa ra những quy tắc chống độc quyền mới, giới chức Trung Quốc không tiết lộ nhiều về chi tiết của động thái này và lý do tại sao họ lại quyết định hành động ngay bây giờ.

Hệ sinh thái internet của Trung Quốc từ lâu đã không có sự cạnh tranh của Google và Facebook. Tuy nhiên, không gian này lại bị chi phối bởi 2 công ty là Alibaba và Tencent, thông qua mạng lưới đầu tư “như mê cung” bao gồm phần lớn những công ty startup trong nước từ AI cho đến tài chính số. Với sự hậu thuẫn của 2 ông lớn, nhiều “gã khổng lồ” khác cũng ra đời như Meituan và Didi Chuxing. Trong khi đó, những công ty thành công bên ngoài quỹ đạo của họ như ByteDance là rất hiếm.

Dẫu vậy, các quy tắc chống độc quyền hiện là nguy cơ gây đảo lộn hiện trạng, có thể dẫn đến kết quả từ việc nộp phạt cho đến 1 số nhà lãnh đạo buộc phải rời công ty. Một số nhà phân tích dự đoán giới chức Trung Quốc chuẩn bị đưa ra biện pháp kiểm soát cực kỳ gắt gao, khi các tập đoàn lớn thường có những yêu cầu trên các sàn TMĐT ngặt nghèo với bên bán như “chọn 1 trong 2”. Các quy tắc mới sẽ yêu cầu họ không nên bán sản phẩm với giá thấp hơn để loại bỏ các đối thủ.

Lục Lam (Tham khảo Bloomberg)

Theo Kinh doanh và Phát triển