Van tín dụng bất động sản vẫn tăng gần 15% dù bị ngân hàng siết
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, thực tế nhiều doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, mặc dù được hưởng các chính sách hỗ trợ của ngân hàng.
Song, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn tăng 14.69% so với cuối năm 2021. NHNN đánh giá đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung.
Tín dụng bất động sản tăng gần 15% so với cuối năm 2021
Tổng cục Thống kê mới công bố cho biết, tính đến thời điểm 20/9/2022 tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%).
Còn theo số liệu công bố của NHNN đến ngày 7/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,93% so với cuối năm 2021 và tăng 16,76% so với cùng kỳ năm 2021 do cầu tín dụng tăng ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.
Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP; Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, cao hơn cùng kỳ năm trước, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung; Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Riêng về tín dụng bất động sản, số liệu công bố mới nhất của NHNN, tính đến tháng 7/2022, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 14,69% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao và chiếm tỉ trọng hơn 20% trong tổng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng với bất động sản kinh doanh tăng 6,6%; bất động sản mục đích tự sử dụng tăng 19,03%. Đáng lưu ý, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 28,71%, chiếm 0,35%. Tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống (tín dụng tiêu) tăng 14,99%, chiếm 20,9%.
Nhiều doanh nghiệp "đói" vốn?
Khi các ngân hàng “siết” vốn chảy vào bất động sản, vấn đề dòng tiền trở thành mối quan tâm lớn không chỉ của doanh nghiệp mà của cả giới đầu tư và người có nhu cầu thực.
Tuy nhiên, đa số các ngân hàng đều cho biết, đối với mảng bất động sản mua để ở, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân việc cho vay vẫn đang diễn ra bình thường. Còn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư các dự án mới, ngân hàng phải phân loại và xem xét cấp vốn đối với các dự án tốt, tính khả thi cao.
Trước tình hình các ngân hàng kiểm soát chặt vốn vay cho lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp kỳ vọng những tháng cuối năm dòng vốn tín dụng cho bất động sản sẽ được khơi thông trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là "Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước".
Lãnh đạo một công ty bất động sản cho biết, ngay khi có thông tin nới room tín dụng, dù là ít nhưng đã tác động đến tâm lý của doanh nghiệp, của khách hàng và tác động đến thị trường theo hướng tích cực, hồ hởi hơn. Một lượng tiền đã bơm ra thị trường giúp thanh khoản được tăng trưởng trở lại. “Việc các ngân hàng được nới room tín dụng sẽ tăng khả năng cho vay của các ngân hàng dựa trên vốn mình có, và điều này cũng sẽ có lợi cho lĩnh vực bất động sản. Nhiều doanh nghiệp, khách hàng đã vay được tiền và họ tiếp tục bơm lượng tiền đó cộng với vốn tự có ra ngoài thị trường. Từ đây đã lan tỏa đến các phân khúc giúp thị trường khởi động mạnh trở lại”, vị này cho hay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết sau khi nhận được thông tin ngân hàng nới room tín dụng, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản rất phấn khởi trước 457.000 tỷ đồng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% sẽ được bơm ra thị trường.
Vui mừng chưa dừng lại ở đây khi mà Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 153 để chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nên cộng đồng doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu để bù đắp thiếu hụt nguồn vốn đầu tư trong thời gian qua.
Tuy nhiên theo ông Lê Hoàng Châu, sẽ phù hợp hơn nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng room tín dụng cả năm 2022 thêm 1 - 2% (từ mức mục tiêu 14% lên mức 15 - 16%) thì sẽ có thêm trên dưới 200.000 tỷ đồng nữa đưa vào nền kinh tế trong những tháng cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm.
Ông Châu cũng đề xuất: “Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có cơ sở để xem xét nâng room tín dụng năm 2022 lên thêm 1 - 2% nữa do nước ta cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, xuất siêu và có dự trữ ngoại hối trên 100 tỉ USD, được các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, trong đó tổ chức xếp hạng tín nhiệm rất uy tín là Moody’s Investors Service vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định cũng vào ngày 6.9.2022 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa dự báo nâng GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7% cao hơn mục tiêu được Quốc hội đặt ra là từ 6 - 6,5%”.