Vàng, bất động sản, chứng khoán, USD: Kênh đầu tư nào hấp dẫn nhất?
Tại hội thảo "Chuyển mình cùng thị trường" do Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) phối hợp với FiinGroup vừa tổ chức, các chuyên gia phân tích đã đưa ra những định hướng cho việc đầu tư đối với chứng khoán, vàng, USD,...
Những tháng đầu năm 2022, thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự biến động mạnh. Những yếu tố bên ngoài cũng như yếu tố nội tại đã và đang tác động lên hành vi của các nhà đầu tư trên thị trường dẫn đến sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành.
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu Dịch vụ thông tin tài chính Fiin Group, cho rằng với những nhà đầu tư trẻ, năng động ở thời điểm hiện tại, việc mua và nắm giữ vàng trong thời gian dài không phải là sự lựa chọn.
Chuyên gia cũng chỉ ra tỷ giá USD/VND cũng không thật sự hấp dẫn khi đã ở vùng giá cao và tăng nhiều so với năm trước. Riêng bất động sản, với chủ trương nắn dòng tiền tập trung vào các kênh sản xuất - kinh doanh và nhà nước tiếp tục kiểm soát những lĩnh vực đầu tư rủi ro thì bất động sản cũng không thật sự khả quan.
"Nếu so sánh tương quan với các kênh đầu tư khác, thời điểm này có thể nói chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, triển vọng. Dù nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng trong giai đoạn thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh từ tháng 4 đến nay nhưng tín hiệu tích cực là lượng tiền lớn vẫn nằm trên tài khoản", bà Hồng Vân phân tích.
Số liệu được bà Vân đưa ra cho cũng biết, mặc dù các nhà đầu tư bán ròng khá mạnh nhưng tính đến cuối quý II/2022, lượng tiền lớn khoảng 70.000 tỷ đồng vẫn nằm trong tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán.
“Theo khảo sát của chúng tôi, dòng tiền phần lớn vẫn nằm trong tài khoản, đang trong trạng thái chờ đợi cơ hội quay lại thị trường. Cơ hội sẽ được tìm thấy ở những cổ phiếu ngành tăng trưởng phía trước, ở lĩnh vực, ngành mà thị trường chưa nhìn thấy…”, bà Vân nhấn mạnh.
Nhận định thêm, bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Phó phòng Phân tích ACBS, cho rằng một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam là tâm lý nhà đầu tư.
Đặc biệt, nếu thị trường nước ngoài biến động nhiều thì dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ra khỏi thị trường Việt Nam để quay về thị trường Mỹ. Tuy nhiên chuyên gia cũng chỉ ra, gần đây nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại với thị trường chứng khoán Việt Nam dù tỷ trọng vẫn còn nhỏ. Do đó, định giá của Việt Nam vẫn được cho là đang hấp dẫn và trong trung – dài hạn là tích cực.
Theo đó, bà Giao nhấn mạnh lạm phát và lãi suất là những yếu tố mà các nhà đầu tư cần quan sát trong thời gian tới, đặc biệt khi áp lực tăng lãi suất đến từ lạm phát và từ việc điều hành tỷ giá ngày càng tăng.
Nhận định về nền kinh tế của Việt Nam, bà Giao cho hay nội tại vĩ mô của Việt Nam hiện tương đối ổn định. Theo đó, GDP có thể tăng trưởng đến 8,5%.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi nhiều lĩnh vực. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam cũng được hỗ trợ bởi các gói tiền tệ sẽ được giải ngân trong quý III-IV cùng các gói phát triển cơ sở hạ tầng.
Bà Giao cũng cho rằng lạm phát trong năm 2022 sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới 4%, đạt 3,7 - 3,8% và lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5% từ đây đến cuối năm. Tuy nhiên, điều này cho thấy lạm phát và lãi suất tại Việt Nam vẫn chưa đáng lo ngại.