Vàng nhẫn 'cháy hàng': Cầm sẵn tiền, xếp hàng cả buổi không mua được 1 chỉ
Giá vàng nhẫn trơn liên tục leo đỉnh trong khi số lượng vàng nhẫn tại các cửa hàng không còn nhiều khiến người mua rơi vào cảnh “có tiền cũng không mua được 1 chỉ vàng”.
Vàng nhẫn "cháy hàng"
Trong những ngày qua, giá vàng nhẫn liên tục dao động trong ngưỡng 65 – 66 triệu đồng/lượng, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Mức tăng của giá vàng nhẫn hiện chênh từ 4 – 5 triệu đồng/lượng, tăng mạnh từ mức 1 – 2 triệu đồng/lượng trước đây.
Chính vì thế, nhiều người đã xem vàng nhẫn là một kênh đầu tư sinh lời. Ngay từ những ngày gần Tết Nguyên đán, không ít khách hàng đã tăng mua vàng nhẫn để kiếm lời. Sức mua tăng khiến số lượng vàng nhẫn tại các cửa hàng hiện không còn nhiều, thậm chí rơi vào tình trạng cháy hàng.
Nhiều khách hàng chia sẻ, sau khi tìm mua ở các cửa hàng bán trực tiếp đều báo hết hàng, gọi điện liên hệ với Bảo Tín Minh Châu thì nhận được câu trả lời số lượng vàng nhẫn hiện tại không còn nhiều và gần như không thể đáp ứng nhu cầu đặt mua qua điện thoại.
“Nếu khách mua với số lượng trên 1 cây thì phải đặt hàng đến giữa tháng 3 mới có. Hiện tại thì chỉ có thể giao dịch được dưới 5 lượng nhưng chỉ còn một vài cơ sở còn hàng. Khách hàng thì đang xếp hàng khá đông, ở nhiều cơ sở có những người phải xếp hàng đợi cả tiếng đồng hồ nhưng vẫn không mua được vàng nhẫn vì quá nhiều người mua”, một nhân viên của Bảo Tín Minh Châu chia sẻ.
Tương tự như ở PNJ, khi được hỏi mua vàng, nhân viên của PNJ cho hay: “Số lượng vàng nhẫn tròn trơn ở khu vực Hà Nội còn rất ít và hiện chỉ có chi nhánh Trần Nhân Tông là còn. Các chi nhánh khác hiện chỉ còn 1, 2 chiếc nhẫn loại 1 chỉ”.
Tuy nhiên, khi liên hệ với PNJ Trần Nhân Tông, nhân viên của cửa hàng lại khẳng định chắc nịch rằng “không còn một cái nào”. Người này cũng tiết lộ rằng “có nhiều khách đã đặt cọc tiền và đến giữa hoặc cuối tháng 3 mới nhận hàng. Khi được thắc mắc rằng liệu có hay không tình trạng “ghim hàng”, người này khẳng định “việc cháy hàng đã diễn ra từ nhiều ngày rồi, nếu có thì bên em bán chứ giữ làm gì”.
Không riêng vàng nhẫn, vàng miếng cũng khan hiếm ở một số cơ sở. Tại PNJ Trần Nhân Tông. “Vàng miếng chỉ còn loại 3 chỉ, 5 chỉ nhưng cũng chỉ còn số lượng ít”, nhân viên tiết lộ.
Giá vàng nhẫn trong nước bắt đầu tăng mạnh từ cuối tháng 10/2023 và liên tục ổn định ở mức cao. So với giá cách đây 1 năm, giá vàng nhẫn đã tăng cao nhất lên tới 12 triệu đồng/lượng.
Trong năm 2023, vàng nhẫn cũng ghi nhận mức sinh lời ấn tượng, thậm chí còn cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.
Nhà vàng không dại gì ghim hàng khi đang lãi
Liên quan đến vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đinh Trọng Thịnh. Theo ông Thịnh, tình trạng giá vàng tăng và vàng khan hiếm sau dịp Tết Nguyên đán là hết sức bình thường và đã diễn ra trong nhiều năm nay.
“Dịp đầu năm có ngày vía Thần Tài và một số hộ gia đình, cá nhân có thêm thu nhập nên lượng người mua vàng theo đó cũng tăng một cách đáng kể. Lượng mua vào nhiều thì ắt hẳn vàng sẽ khan hiếm”, ông cho hay.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định đây không hẳn là chiêu trò “ghim hàng, thổi giá” của các nhà vàng trước thời điểm Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng miếng được sửa đổi.
Theo ông, “việc xem xét, sửa đổi Nghị định 24 cần phải có thời gian và không thể diễn ra trong 1 ngày hay 1 tuần được. Trong khi đó, người kinh doanh vàng luôn sẵn sàng bán khi họ có lãi. Trên thực tế, cả giá vàng miếng lẫn giá vàng nhẫn trong nước đều đang có khoảng cách tương đối lớn với giá vàng thế giới. Rõ ràng là người kinh doanh vàng vẫn đang có lợi nên họ sẽ sẵn sàng bán mà không ghim hàng”.
Về việc sửa đổi Nghị định 24, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng “việc Nghị định 24 được sửa đổi sẽ có tác động lên thị trường và giúp thị trường vàng trong nước ổn định hơn. Những chỉ thị của Chính phủ liên quan đến Nghị định 24 như trong những ngày qua là dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang muốn thay đổi thị trường vàng. Điều này chắc chắn là có tác động lên thị trường. Nhìn chung, thị trường vàng trong nước đang ở trong quá trình chuyển đổi”.
Theo chia sẻ với VietnamFinance, ông Hiếu cho rằng thay đổi đầu tiên về Nghị định 24 mà nhà điều hành đang hướng đến đó là thay đổi về khung pháp lý.
“Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện là đơn vị duy nhất kiểm soát việc mua vàng, nhập khẩu vàng. Điều này nên xem xét lại bởi nếu như vào 10 năm trước thì quy định này là cần thiết để ổn định thị trường vàng nhưng trong bối cảnh như hiện nay, thị trường có nhiều thay đổi và cần nhiều nguồn cung vàng hơn.
Chính vì thế, cần thay đổi vai trò của NHNN, nên rút lại vai trò quản lý hiện tại của NHNN và giao cho các đơn vị kinh doanh vàng”.
Song song với đó, thương hiệu quốc gia của SJC cũng nên được rút lại để trên thị trường có sự cạnh tranh công bằng hơn, từ đó giúp thị trường bình ổn hơn, ông nói.