Vay ODA mở rộng cao tốc Long Thành: Không dễ...
Từ hai yếu tố, một là thể diện quốc gia hai là hiệu quả kinh tế, ông Bùi Ngọc Sơn khuyến nghị không nên sa đà vào nguồn vốn ODA.
Từ hai yếu tố, một là thể diện quốc gia hai là hiệu quả kinh tế, ông Bùi Ngọc Sơn khuyến nghị không nên sa đà vào nguồn vốn ODA.
Liên quan tới thông tin Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) đề xuất kêu gọi vốn ODA của Nhật để đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các chuyên gia khuyến nghị phải tính toán hiệu quả, tránh rơi vào bẫy nợ do chính mình tạo ra.
Đề xuất vay vốn ODA mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: VnEconomy |
Khó vay...
TS Bùi Ngọc Sơn - Viện Nghiên cứu chính trị thế giới nhấn mạnh, ODA là nguồn vốn quý giá được các quốc gia phát triển hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ kéo dài, giúp Việt Nam huy động được nguồn vốn cần thiết trong đầu tư phát triển hạ tầng.
Tuy nhiên, điều ông lo lắng là trong bối cảnh Việt Nam đã từ một nước nghèo vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, điều này cũng đồng nghĩa với việc không còn nhận được ODA dồi dào như trước, phải tiếp cận, huy động cả các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn…
Như vậy, việc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đề xuất Nhật hỗ trợ vốn ODA thì cũng chưa chắc đã được xét duyệt hoặc nếu được cho vay thì cũng liên quan tới nhiều vấn đề, đặc biệt là uy tín, thành tích tăng trưởng mà Việt Nam đã nỗ lực đạt được trong suốt thời gian qua.
Ông Sơn lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều lĩnh vực từ kinh tế tới xã hội nhưng, Việt Nam vẫn được ghi nhận là quốc gia có tăng trưởng dương, thậm chí là tăng trưởng cao nhất thế giới.
Cụ thể, với công bố tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2,91% so với năm trước, chiều 27/12, Tổng cục Thống kê, đánh giá dù mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng đây là thành công lớn của Việt Nam. Mức tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Trước đó, số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Việt Nam đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận cả nền kinh tế đã đạt được.
"Với điều kiện và tốc độ phát triển kinh tế vượt trội như vậy nếu Việt Nam muốn vay ODA chắc chắn sẽ khó hơn nhiều. Quốc tế khó tránh xầm xì, vì ODA chủ yếu chỉ để hỗ trợ những nước có nền kinh tế chậm phát triển, còn gặp nhiều khó khăn. Với một quốc gia có tăng trưởng dương, nền kinh tế liên tục thăng hạng và phát triển như Việt Nam mà đi vay vốn ODA giá rẻ sẽ khó thuyết phục. Còn trong trường hợp cá nhân mượn danh nghĩa quốc gia vay vốn ODA giá rẻ để sử dụng vào mục đích khác như cho vay lãi hưởng lãi chênh để kiếm lợi thì không những vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín quốc gia", ông Sơn nói.
Không nên sa đà
Khẳng định lại, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam muốn vay ODA chắc chắn sẽ không còn được hưởng những cơ chế ưu đãi như trước đây, mà phải chấp nhận những mức lãi suất khác, cao hơn để bảo đảm công bằng với các quốc gia khác. Trong trường hợp này, ông Sơn cho rằng, vay ODA sẽ không phải là lợi thế, bởi ngoài mức lãi suất cao thì các điều kiện đi kèm của ODA cũng vô cùng khắt khe.
Mặt khác, khi cả thế giới đang rơi vào suy thoái, những hình thức cho vay vốn sẽ có xu hướng đẩy mạnh, đi cùng với đẩy mạnh xuất khẩu vốn sẽ là chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA.
Trong khi đó, việc huy động vốn và sử dụng vốn ODA tại Việt Nam hiệu quả còn thấp, năng lực hấp thụ ODA của Việt Nam còn hạn chế mà biểu hiện là tỷ lệ giải ngân ODA vẫn thấp.
Tại một cuộc họp của Chính phủ mới đây, có đến tám bộ trình văn bản chính thức xin hoàn trả vốn ODA, với con số lên tới 3.700 tỷ đồng, tương đương 32% dự toán được giao, vì không giải ngân được. Thực trạng này khiến chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu. Bên cạnh đó, việc thiết kế các chương trình ODA chưa sát thực tế, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả sử dụng ODA trong đầu tư công còn thấp, kể cả trách nhiệm của người vay và sử dụng vốn ODA cũng chưa rõ ràng, còn nhiều sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong sử dụng vốn ODA... Những điều này dễ dẫn đến tác động tiêu cực tới nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia.
"Những bất cập, sai phạm, hạn chế trong sử dụng vốn ODA tại Việt Nam đã lộ rõ, nếu tiếp tục nuông chiều, sa đà, chạy theo vay vốn ODA thì sẽ xảy ra hai tình huống. Một là, sẽ xuất hiện các hành vi trục lợi của các doanh nghiệp làm hạ tầng. Khi xuất hiện các hành vi trục lợi, các doanh nghiệp này sẽ tìm mọi cách để vận động chính sách, lo lót có bằng được dự án, xin ODA.
Thứ hai, khi doanh nghiệp lo lót, xin được dự án, xin được ODA đồng nghĩa với việc tính toán dự án không sát, hiệu quả không cao, trong khi Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, như vậy mọi thua thiệt nhà nước lại tiếp tục gánh thay cho doanh nghiệp.
Từ thực trạng trên, điều tôi lo ngại không phải là cái bẫy ODA như thế giới cảnh báo mà là cái cãi bẫy do chính các doanh nghiệp tự giăng ra và chui vào", ông Sơn thẳng thắn.
Từ hai yếu tố, một là thể diện quốc gia hai là hiệu quả kinh tế, ông Bùi Ngọc Sơn khuyến nghị không nên tiếp tục sa đà vào vay vốn ưu đãi từ ODA.
Trong trường hợp, Việt Nam vẫn cần phải vay vốn để phát triển hạ tầng, ông Sơn cho rằng nên mở ra cơ chế huy động vốn trong nước, khuyến khích tư nhân tham gia.
"Muốn làm được như vậy, đầu tiên phải xử lý dứt điểm được tình trạng tham nhũng, chi phí gầm bàn. Có như vậy mới giảm bớt được chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt chi phí đầu tư thì nhà đầu tư và người dân mới có lợi", ông Sơn chỉ rõ.