VHM tăng vọt, VN-Index vẫn ‘mất đà’ khi tiến về mốc 1.300 điểm
VHM tăng vọt 4,01% sau thông tin khả quan về kế hoạch mua lại cổ phiếu, nhưng điều này không thể giúp VN-Index chạm tới mốc 1.300 điểm dù đầu phiên rất nỗ lực.
Nhóm cổ phiếu họ Vingroup tiếp tục tỏ ra… kém duyên với VN-Index. VHM tăng vọt 4,01% sau thông tin khả quan về kế hoạch mua lại cổ phiếu, VIC và VRE cũng đều ghi nhận sắc xanh nhưng VN-Index kết phiên lại mất hơn 2 điểm, dù có lúc tăng hơn 9 điểm, áp sát mốc 1.300 điểm.
Trước đó, ở khá nhiều thời điểm trong quá khứ, cổ phiếu họ Vingroup thăng hoa đi liền với diễn biến kém khả quan của thị trường chung.
Sự chú ý hôm nay dồn vào bộ đôi TCH – HHS nhưng trên thực tế, trong Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index hoàn toàn vắng bóng TCH và HHS, cho thấy tác động của việc hai cổ phiếu này giảm mạnh đối với VN-Index là không lớn.
Đáng chú ý hơn là trường hợp của EIB khi cổ phiếu này giảm 4,45% và lọt vào Top 3 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index, dù lãnh đạo Eximbank đã lên tiếng phủ nhận tin đồn lan truyền trên thị trường.
Xét theo nhóm ngành, xu hướng chung là tiêu cực. Sắc đỏ thống trị nhóm ngân hàng, dù mức giảm nhìn chung không quá lớn; ngoài EIB thì trên sàn HoSE chỉ có LPB, HDB, SSB là giảm trên 1%.
Tương tự là cổ phiếu chứng khoán, ngoài VIX giảm 3,36% do hiệu ứng Eximbank thì đa số cũng chỉ giảm nhẹ.
Cổ phiếu bán lẻ, hàng không đều ghi nhận sắc đỏ. Trong khi đó, cổ phiếu công nghệ, sản xuất nhìn chung phân hoá.
Cổ phiếu bất động sản mặc dù phân hoá nhưng khá nhiều cổ phiếu giảm trên 1% như NLG, NVL, PDR, DIG, DXG, SGR… sau những dự báo kém khả quan về kết quả kinh doanh quý III/2024.
Cao su và nông nghiệp là hai ngành hiếm hoi diễn biến khả quan. Ở ngành cao su, GVR tăng 2,25%, PHR tăng 2,04%, DPR tăng 1,75%, TRC tăng kịch trần. Với ngành nông nghiệp, DBC tăng 1,98%, VHC tăng 1,67%, ASM tăng 1,09%; BAF, PAN, FMC, ANV cũng đều ghi nhận sắc xanh.
Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE trong phiên 14/10 đạt 15.341 tỷ đồng, cải thiện so với mức 11.955 tỷ đồng của phiên liền trước. Khối ngoại bán ròng phiên thứ hai liên tiếp, trái ngược với khối tự doanh.