Vì sao nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa muốn lên sàn?
Trong cuộc trò chuyện với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM, đã lý giải về hiện tượng một số doanh tư nhân tuy lớn mạnh những vẫn “ngại” lên sàn chứng khoán.
- Vì sao lại có một bộ phận doanh nghiệp tư nhân vẫn “ngại” lên sàn chứng khoán?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Đây là một kênh huy động vốn tiềm năng và màu mỡ cho các doanh nghiệp tư nhân, bởi họ sẽ dễ dàng tiếp cận với một thị trường có hàng triệu nhà đầu tư thay vì phải tìm kiếm nguồn vốn từ việc vay vốn ngân hàng hay huy động vốn từ bạn bè, người thân. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn có một bộ phận doanh nghiệp tư nhân ngại lên sàn chứng khoán.
Có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp ngại lên sàn. Thứ nhất, là việc chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp tư nhân hay công ty TNHH sang công ty cổ phần và công ty cổ phần đại chúng sẽ phải có những yêu cầu chặt chẽ hơn về mô hình hoạt động và phương thức quản lý. Doanh nghiệp cũng phải thuê một đơn vị để bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng lần đầu (IPO).
Ngoài ra, việc chuẩn bị hồ sơ niêm yết cũng sẽ rất phức tạp và tốn nhiều thời gian lẫn chi phí, và doanh nghiệp cũng phải thuê một đơn vị chuyên nghiệp để tư vấn niêm yết. Sau đó, việc niêm yết sẽ còn bị ràng buộc bởi rất nhiều các quy định khác như các quy định về công bố thông tin, kiểm toán độc lập...
Tất cả những vấn đề này sẽ phát sinh chi phí không hề nhỏ cho doanh nghiệp khi muốn niêm yết trên sàn và cũng như đòi hỏi doanh nghiệp phải có một sự tái cấu trúc toàn diện để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của một doanh nghiệp niêm yết.
Theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là các doanh nghiệp tư nhân vẫn muốn kiểm soát công ty, ngại phải thay đổi, đổi mới để đáp ứng các điều kiện niêm yết, cũng như chi phí niêm yết còn cao và thời gian thủ tục cũng còn tương đối phức tạp là những trở ngại chính.
Một phần nữa là thị trường niêm yết cũng chỉ phù hợp với các doanh nghiệp tư nhân lớn, còn doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ thì sẽ không đủ tiềm lực để có thể tham gia vào thị trường chứng khoán tập trung.
- Khi lên sàn, doanh nghiệp tư nhân có những rủi ro và cơ hội như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Cơ hội là doanh nghiệp tư nhân sẽ dễ dàng quảng bá thương hiệu của mình cho công chúng biết đến, cũng như khả năng tiếp cận được với hàng triệu nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc doanh nghiệp tư nhân cũng góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp hơn. Tuy nhiên rủi ro cũng không ít khi một doanh nghiệp tư nhân niêm yết trên sàn.
Thứ nhất, cổ phiếu của họ có thể được định giá thấp hơn so với giá trị thật của doanh nghiệp và có thể làm ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp và các cổ đông cũ.
Thứ hai, nếu các doanh nghiệp tư nhân phát hành cổ phiếu quá nhiều, có thể gây ra hiện tượng pha loãng cổ phiếu, điều này cũng ảnh hưởng đến việc chia sẻ lợi nhuận, đặc biệt là với các cổ đông cũ.
Bên cạnh đó, việc giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập cũng có thể tạo điều kiện cho các đợt thâu tóm thù địch trên thị trường chứng khoán. Và không ít các nhà sáng lập đã bị mất quyền kiểm soát doanh nghiệp bởi hình thức này trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ ba, nếu như doanh nghiệp tư nhân kiểm soát không tốt và vi phạm các quy định như quy định về công bố thông tin, thao túng giá chứng khoán…thì người chủ doanh nghiệp có thể phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc và thậm chí có thể vướng vào vòng lao lý như các vụ việc vừa qua ở trên thị trường.
- Thời gian vừa qua, đã có nhiều vụ việc liên quan đến thổi giá chứng khoán. Ông đánh giá như thế nào về tác động của những vụ việc như thế này, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Những vụ việc về việc thao túng, làm giá chứng khoán không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà nó khá phổ biến trên thị trường trong suốt thời kỳ hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Lý do gần đây nó được quan tâm là bởi trường chứng khoán đang được quan tâm nhiều hơn trước, số lượng nhà đầu tư tham gia cũng lớn hơn so với các thời kỳ trước rất nhiều đặc biệt là từ đại dịch Covid - 19 đến nay.
Chính vì thế dư luận trên thị trường chứng khoán ngày càng được chú trọng hơn và đó là lý do mà các sự việc như FLC, nếu như ai đã tham gia thị trường từ rất lâu thì đều biết đây là mã cổ phiếu bị làm giá từ lâu, nhưng đến nay mới bị đưa ra ánh sáng.
Và chắc hẳn còn không ít các vụ việc khác trên thị trường vẫn gây ra sự nhức nhối to lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Nguyên nhân của các vụ việc này đa số là sự quản lý còn hạn chế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch, cũng như các hành động này khá tinh vi khiến cho rất khó bị phát hiện.
Còn các quy định niêm yết trên sàn theo tôi hiện nay vẫn ổn, nhưng vấn đề là chúng ta giám sát việc thực thi các quy định này như thế nào để không xảy ra các trường hợp tương tự mới là chuyện khó.
- Làm thế nào để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp tư nhân, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Sẽ phải làm rất nhiều việc để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phát triển tương xứng với tiềm năng của nó, và đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Thứ nhất, chắc chắn phải là làm tăng tính minh bạch cho trường chứng khoán, hạn chế những tình trạng lũng đoạn, thao túng giá chứng khoán, cũng như phải tái cấu trúc thị trường theo các quy định của thị trường mới nổi để từng bước đưa trường chứng khoán Việt Nam vào nhóm các thị trường mới nổi trên thế giới. Từ đó sẽ thu hút được nhiều quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường.
Thứ hai, là cần phải có các giải pháp nhằm tạo dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư, không chỉ ở thị trường cổ phiếu mà cả ở thị trường trái phiếu.
Bởi trái phiếu mới là thị trường quan trọng cho các doanh nghiệp bởi đây là nơi có thể thay thế nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, và trái phiếu cũng là sản phẩm có chi phí huy động vốn thấp hơn so với phát hành cổ phiếu. Các doanh nghiệp họ cũng sẽ ưa thích phát hành trái phiếu hơn để tránh hiện tượng pha loãng cổ phiếu và bị cạnh tranh quyền kiểm soát công ty.
Do đó, thị trường trái phiếu thường có quy mô lớn hơn thị trường cổ phiếu ở các quốc gia phát triển. Và để cho thị trường trái phiếu phát triển ở Việt Nam, thì cần phải cho phép các công ty bảo hiểm tham gia bán bảo hiểm rủi ro cho các đợt phát hành trái phiếu. Cũng tương tự như bảo hiểm tiền gửi ở hệ thống ngân hàng. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn khi tham gia thị trường này.
Thứ ba, là cần sớm đưa hệ thống KRX đi vào vận hành để làm tăng khả năng nhận lệnh của thị trường, cũng như giúp thị trường có thêm các sản phẩm mới như bán khống, giao dịch T+0… để tăng tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.
Thứ tư, là cần phải có các chương trình đào tạo, huấn luyện các nhà đầu tư về các kiến thức đầu tư chứng khoán, để tránh hiện tượng đầu tư theo tâm lý đám đông, đầu cơ theo tin đồn dễ khiến thị trường biến động mạnh và gây ra những bất ổn không đáng có trên thị trường chứng khoán. Và cũng hạn chế được việc các nhà đầu tư bị lôi kéo, lùa gà bởi các đội lái lũng đoạn thị trường…
-Trân trọng cảm ơn ông!