VN-Index giảm gần 30 điểm trong phiên 26/1, vẫn có cổ phiếu BĐS đi ngược
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bị bán tháo trong phiên 26/1, trong đó nhiều cổ phiếu bất động sản lao dốc rất mạnh. Dù vậy vẫn có những cái tên đi ngược như FLC, DXG...
Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 26/1 đi theo kịch bản ít nhà đầu tư mong muốn. Các chỉ số giảm điểm ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch trước áp lực từ nhiều cổ phiếu trụ cột. Mặc dù lực cầu có phần dâng cao và giúp các chỉ số đôi lúc hồi phục trở lại, nhưng cũng có thời điểm áp lực bán tháo xuất hiện khiến sự lao dốc diễn ra. VN-Index có lúc giảm đến hơn 40 điểm. Như vậy, sau đúng 1 tuần giao dịch, thị trường chứng khoán lại xảy ra một phiên bán tháo.
Diễn biến trong phiên chiều cũng không có nhiều thay đổi khi sắc đỏ vẫn bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các chỉ số chỉ có sự hồi phục nhẹ vào cuối phiên nhưng nhìn chung mức giảm điểm vẫn là lớn.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 29,93 điểm (-2,57%) xuống 1.136,12 điểm. Toàn sàn có 78 mã tăng, 395 mã giảm và 23 mã đứng giá. HNX-Index giảm 4,02 điểm (-1,73%) xuống 227,82 điểm. Toàn sàn có 60 mã tăng, 152 mã giảm và 43 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1 điểm (-1,29%) xuống 76,42 điểm.
Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc mạnh, trong đó, PVD và GVR đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, STB giảm đến 6,5% xuống 18.100 đồng/cp, CTG giảm 6,2% xuống 34.500 đồng/cp, VPB giảm 5,7% xuống 33.850 đồng/cp, BVH giảm 5,5% xuống 60.500 đồng/cp, BID giảm 5% xuống 32.000 đồng/cp. Ngay cả những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực như HPG cũng giảm đến 3,2% xuống 42.300 đồng/cp.
Chiều ngược lại, MBB gây bất ngờ khi nhận được lực cầu rất lớn vào cuối phiên và tăng 1,6% lên 25.600 đồng/cp. Các cổ phiếu như NVL, VCG hay HBC vẫn còn duy trì được sắc xanh bất chấp đà bán tháo diễn ra ở nhiều cổ phiếu khác.
Đà lao dốc lan rộng đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu và bất động sản cũng không tránh khỏi xu thế này. Các cổ phiếu như PFL, PVL, SII, FIT, VRC hay HQC đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, ITA cũng giảm 6,7% xuống 7.470 đồng/cp, KBC chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng trần liên tiếp bằng việc giảm 6,5% xuống 42.550 đồng/cp. Các cổ phiếu bất động sản có yếu tố thị trường cao (thanh khoản cao) như TCH, IDC, OGC, DIG, HDG, NDN, CII, NLG… cũng đồng loạt lao dốc.
Tuy nhiên, dù thị trường chung rung lắc nhưng nhóm bất động sản vẫn ghi nhận một số cổ phiếu đi ngược lại xu thế chung, trong đó, FLC là cái tên gây bất ngờ nhất khi được kéo lên mức giá trần 6.700 đồng/cp. Trong phiên giao dịch có thời điểm FLC giảm xuống chỉ còn 6.000 đồng/cp. Bên cạnh đó, TNT cũng được kéo lên mức giá trần 3.190 đồng/cp.
Một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao tăng mạnh có NTL (4,6%), ASM (2,9%); DXG dù không nâng được lên thành 4 phiên tăng trần liên tiếp nhưng kết phiên, cổ phiếu này vẫn tăng 2,8% lên 22.000 đồng/cp; LDG tăng 2,6% lên 8.590 đồng/cp.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết gia tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 18.958 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 972 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.491 tỷ đồng.
FLC, HQC, DXG và KBC nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường. Trong đó, FLC khớp lệnh được 34,5 triệu cổ phiếu. HQC khớp lệnh 29,5 triệu cổ phiếu. DXG và KBC khớp lệnh lần lượt 18,9 triệu cổ phiếu và 17,7 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại vẫn bán ròng trên HoSE và HNX, trong khi mua ròng ở sàn UPCoM. Tính trên toàn thị trường, dòng vốn ngoại đã bán ròng tổng cộng 146 tỷ đồng bao gồm cổ phiếu, CW và chứng chỉ quỹ. DXG, VRE và KDH là các cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh, trong đó DXG bị bán ròng 32 tỷ đồng. Chiều ngược lại, NVL, VHM và KBC là các cổ phiếu bất động sản được mua ròng mạnh. NVL được mua ròng 61 tỷ đồng. VHM và KBC được mua ròng lần lượt 34 tỷ đồng và 12 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường điều chỉnh mạnh trong phiên 26/1 sau khi nhịp hồi phục kỹ thuật được xác nhận là đã kết thúc trong phiên 25/1 khi VN-Index không thể kết phiên trên ngưỡng kháng cự quanh 1.170 điểm. Thanh khoản trong phiên giảm này gia tăng và cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán là tương đối mạnh.
Trong nhịp giảm trước đó, động thái bắt đáy khi giá về quanh MA20 ngày đã phát huy hiệu quả nên với nhịp giảm hiện tại thì ngưỡng này sẽ khó có khả năng hỗ trợ tốt cho chỉ số. Cùng với đó, việc VN-Index kết phiên dưới đường trung bình 20 ngày khá xa, theo SHS, có lẽ cần chờ đợi giá rơi về các ngưỡng thấp hơn để bắt đáy với xác suất thành công cao hơn.
Theo đó, thị trường có thể tiếp tục giảm trong các phiên tiếp theo để hoàn thành sóng điều chỉnh 4. Những nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy quanh đường MA20 ngày trong đợt giảm trước đó và đã chốt lời ngắn hạn quanh ngưỡng 1.170 điểm trong hai phiên 22/1 và 25/1 nên đứng ngoài thị trường, chờ đợi những nhịp điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn hơn để tham gia trở lại. Các ngưỡng hỗ trợ gần nhất lần lượt quanh 1.085 điểm (MA50) và 1.040 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng 3)./.