VN-Index tăng gần 12 điểm ở phiên 11/3, sắc xanh chiếm ưu thế trong nhóm BĐS
VN-Index bật tăng mạnh trong phiên 11/3 nhờ lực đẩy của nhiều cổ phiếu lớn. Dù vẫn có sự phân hóa nhưng sắc xanh ở nhóm bất động sản có phần chiếm ưu thế hơn.
Phiên giao dịch ngày 11/3 của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra theo chiều hướng tích cực khi VN-Index và HNX-Index giao dịch ở trên mốc tham chiếu trong suốt phiên. Mở cửa phiên, sắc xanh đã bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Dù đôi lúc vẫn vấp phải áp lực bán mạnh, nhưng cả VN-Index và HNX-Index vẫn duy trì được đà tăng tốt.
Động lực tăng chính của thị trường phiên 11/3 đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, SHB tăng đến 6,1% lên 17.300 đồng/cp, VPB tăng 4,2% lên 43.750 đồng/cp, STB tăng 3,2% lên 19.300 đồng/cp, BID tăng 3,1% lên 43.300 đồng/cp, TCB tăng 2,2% lên 40.150 đồng/cp.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản nói chung vẫn có sự phân hóa tương đối mạnh và vẫn như các phiên trước, bên tăng giá có phần nhỉnh hơn. Các cổ phiếu như HU6, SRG, CIG hay VRC đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, PDR tăng 3,9% lên 66.800 đồng/cp, CRE tăng 3% lên 27.100 đồng/cp, HPX tăng 2,9% lên 37.200 đồng/cp, CII tăng 1,9% lên 23.900 đồng/cp.
Ở hướng ngược lại, HD6 và NVT đều bị kéo xuống mức giá sàn. VCR cũng giảm mạnh 3% xuống 22.800 đồng/cp, OCH giảm 2,5% xuống 7.800 đồng/cp, SJS giảm 1,6% xuống 40.550 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,65 điểm (1%) lên 1.181,73 điểm. Toàn sàn có 297 mã tăng, 165 mã giảm và 53 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,42 điểm (2,4%) lên 273,52 điểm. Toàn sàn có 117 mã tăng, 97 mã giảm và 54 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (0,12%) lên 80,34 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn tăng nhẹ so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.732 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 789 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm tới 1.577 tỷ đồng. FLC và HQC vẫn là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong nhóm 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với lần lượt 27 triệu cổ phiếu và 16 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng với giá trị hơn 320 tỷ đồng trong phiên 11/3. Các cổ phiếu bất động sản gồm VHM, KDH, VIC và CII đều nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại. Trong đó, VHM bị bán ròng hơn 36 tỷ đồng. KBC, PDR và AGG nằm trong top 10 về mua ròng của khối ngoại. KBC được mua ròng 22,8 tỷ đồng. PDR và AGG được mua ròng lần lượt 18 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm tốt trong phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh gia tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy bên mua đang tỏ ra khá tự tin trước xu hướng tăng ngắn hạn hiện tại. Việc thị trường Mỹ tăng mạnh trước đó và Dow Jones thiết lập đỉnh lịch sử mới cũng hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư trong nước. Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn là tích cực với việc thị trường đang trong sóng tăng 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc (sóng tăng 5 chỉ xác nhận là kết thúc khi nó đạt đến target quanh ngưỡng 1.250 điểm hoặc điều chỉnh thủng ngưỡng tâm lý 1.000 điểm - đáy của sóng điều chỉnh 4).
Trong ngắn hạn mà cụ thể là phiên cuối tuần, đà tăng có thể tiếp diễn để chỉ số VN-Index tiệm cận gần hơn với ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời trong phiên tiếp theo có thể sẽ gia tăng. Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 9/3 trong vùng hỗ trợ 1.140 - 1.155 điểm (MA20-50) quan sát thị trường trong phiên tới và có thể canh chốt lời nếu thị trường tiến đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm.