"Vòng kim cô" quản Google, Facebook, Netflix...
Quy định mới lấp lỗ hổng trước đây, các nền tảng xuyên biên giới không thể viện cớ không đặt máy chủ, không đặt chi nhánh tại Việt Nam để trốn thuế.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Theo dự thảo này, nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sẽ được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Ngoài việc nộp thuế trực tiếp thì các doanh nghiệp này có thể nộp qua mạng theo Dự thảo mới. Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Cũng theo dự thảo thông tư, hàng tháng ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài khi có giao dịch thanh toán giữa nhà cung cấp ở nước ngoài với người mua hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam.
Buộc phải nộp thuế
Hoan nghênh các quy định mới về thuế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, những quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý để chấm dứt tình trạng một số nền tảng xuyên biên giới chưa nộp thuế, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Luật An ninh mạng, doanh nghiệp nước ngoài khai thác dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Dù đây là quy định bắt buộc nhưng trên thực tế, nhiều nền tảng xuyên biên giới không đặt máy chủ tại Việt Nam, không đặt chi nhánh hay văn phòng đại diện tại Việt Nam, dẫn đến cơ quan chức năng Việt Nam khó thu được thuế của các nền tảng này.
Các quy định mới về thuế giúp Nhà nước Việt Nam hạn chế thất thu thuế từ các nền tảng xuyên biên giới |
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, với quy định mới, các nền tảng xuyên biên giới khó mà trốn được nghĩa vụ nộp thuế đối với Việt Nam được. Bản thân các nội dung trong dự thảo thông tin đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp phần hoàn thiện, bịt những kẽ hở trước đây để Việt Nam tránh bị thất thu thuế.
"Về luật, các doanh nghiệp nước ngoài bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu, có cơ sở thường trú tại Việt Nam, song để thu thuế thì có điểm khác. Theo đó, đã kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, có doanh thu thì phải nộp thuế, bất kể là ai, có đại diện hay ủy quyền tại Việt Nam hay không", ông Thịnh nói.
Ngân hàng phối hợp thế nào?
Bên cạnh đó, vị chuyên gia lưu ý đến quy định tại Nghị định 126/2020, đó là: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân và phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế; phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong việc thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; việc thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài khi có giao dịch thanh toán giữa nhà cung cấp ở nước ngoài với người mua hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam và cung cấp thông tin khác theo quy định tại Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan.
Với quy định này, khi nhà cung cấp ở nước ngoài với người mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam thực hiện giao dịch qua ngân hàng thì ngân hàng sẽ tiến hành khấu trừ thuế ngay, mà không cần nhà cung cấp đó có đại diện hay ủy quyền tại Việt Nam hay không.
Theo ông Thịnh, trước đây có một số ngân hàng vì nhiều lý do không muốn thực hiện việc khấu trừ thuế cho các hoạt động của các nền tảng xuyên biên giới, nhưng việc này là quy định hàng đầu của các ngân hàng trên thế giới, bất kỳ ngân hàng nào cũng phải nắm được các khoản tiền ra, tiền vào trên các tài khoản ở ngân hàng đó để kiểm tra, giám sát các khoản tiền, chống hiện tượng rửa tiền, chuyển tiền tài trợ khủng bố, kinh doanh bất hợp pháp...
Cũng theo vị chuyên gia, đối với các ngân hàng trên thế giới, chỉ cần có một khoản tiền chuyển vào tài khoản, chẳng hạn tài khoản tăng lên 1000 USD, lập tức ngân hàng sẽ hỏi nguồn gốc số tiền ấy, có phải đóng thuế không, đóng thế nào và hướng dẫn đóng thuế luôn...
"Đó là những việc các ngân hàng nước ngoài đã và đang làm, không có lý gì ngân hàng Việt Nam không làm được. Đây cũng là yêu cầu để tham gia vào hoạt động kinh doanh tài chính, tiền tệ, nếu ngân hàng không phòng chống được rửa tiền, không chống được tài trợ khủng bố, không chống được kinh doanh bất hợp pháp thì tốt nhất hãy ra khỏi hoạt động này.
Tại các nước phát triển, số lượng tài khoản nhiều hơn ở Việt Nam rất nhiều nhưng họ vẫn quản được. Ấy là vì ngân hàng phải phân ra các loại tài khoản: tài khoản thường xuyên ổn định, hàng tháng, hàng năm nhận bao nhiêu tiền lương, chi tiêu ra sao thì ngân hàng không cần theo dõi. Tuy nhiên, đối với những tài khoản thường xuyên biến động, hoặc biến động đột xuất thì phải theo dõi.
Ngân hàng cũng như cơ quan thuế thống nhất với nhau: đến mức tiền nào thì phải theo dõi, báo cáo, mức nào thì không cần. Chẳng hạn, hiện Ngân hàng Nhà nước quy định các giao dịch ngân hàng từ 200 triệu đồng/ngày trở lên là phải báo cáo. Như vậy, kể cả có chuyển tiền bằng thẻ cũng không chạy đi đâu được", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh giải thích.
Theo Tổng cục Thuế, hiện có 15 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã nộp thuế với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Các tập đoàn lớn như Google, Facebook, Microsoft... đã thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế, kê khai nộp thuế nhà thầu thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam.
Đối với trường hợp của Netflix, Tổng Cục thuế cho biết, công ty này chưa thực hiện nộp thuế. Tuy nhiên lãnh đạo Netflix cũng đã làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để triển khai các thủ tục thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông các nền tảng nước ngoài như AppleTV, Netflix ước thu được 44 triệu đô la Mỹ doanh thu mỗi năm từ số lượng thuê bao đang tăng mạnh tại Việt Nam, tuy nhiên hiện tại, Netflix và Apple TV hiện chưa nộp thuế tại Việt Nam.