Vụ Vạn Thịnh Phát: Xem xét trách nhiệm kiểm toán và quyền lợi khách hàng SCB bị biến tiền tiết kiệm thành trái phiếu
Hội đổng Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát đã nêu 8 kiến nghị để Cơ quan điều tra làm rõ trong quá trình điều tra vụ án ở giai đoạn 2, cũng như kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước.
Tại bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP. HCM tuyên về vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, ngoài mức án cho 86 bị cáo, Hội đồng Xét xử đề nghị C03 - Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khi điều tra giai đoạn 2 của vụ án cần làm rõ 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD để đảm bảo thu hồi và làm rõ sai phạm liên quan nếu có.
Theo trợ lý của Trương Mỹ Lan là Bùi Văn Dũng, Trần Thị Thúy Ái và Trần Thị Hoàng Uyên về việc chuyển số tiền 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD về Vạn Thịnh Phát hoặc về Hầm B1 - Tòa nhà Sherwood (127 Pasteur) hoặc giao cho một số cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, số tiền này không chỉ có nguồn gốc từ các khoản vay tại SCB mà còn có nguồn gốc từ việc phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, trong vụ án này, 3 người đã chết là Nguyễn Phương Hồng (cựu giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Tiến Thành (thành viên HĐQT SCB) và Nguyễn Ngọc Dương (Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula). Hội đồng Xét xử kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, truy hồi dòng tiền nhằm xác định nghĩa vụ hoàn trả tài sản của 3 cá nhân nêu trên.
Hội đồng Xét xử cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp và ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết các hoạt động hợp nhất, sáp nhập, tái cơ cấu, thanh tra và giám sát đối với các tổ chức tín dụng để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.
Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan có quy định kiểm soát việc thành lập, quản lý doanh nghiệp để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội nhưng vẫn khuyến khích, tạo động lực để phát triển kinh tế như chủ trương của Chính phủ đề ra.
Kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực trong công tác kiểm toán.
Bên cạnh đó, Hội đồng Xét xử cũng đề nghị Cục C03- Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại ngân hàng SCB, các kiểm toán viên có liên quan nếu đủ căn cứ thì đề nghị xem xét xử lý theo đúng quy định.
Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có quy định chi tiết các điều kiện về tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng để đảm bảo các khoản vay có khả năng thu hồi.
Kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra các phương án, dự án chưa được xử lý trong vụ án này mà bị cáo Trương Mỹ Lan (hoặc cá cá nhân, tổ chức cho Trương Mỹ Lan sử dụng) hợp tác, giao kết, giao dịch để xác định đúng bản chất các giao dịch trên nhằm xác định tài sản và hành vi sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) để có căn cứ xem xét, thu hồi khi giải quyết vụ án trong giai đoạn 2 theo quy định.
Cuối cùng, Hội đồng Xét xử đề nghị Cục C03 Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 tiếp tục xác minh làm rõ đối với tài sản của 5 bị cáo truy nã có liên quan đến hành vi phạm tội của bi cáo Trương Mỹ Lan để có căn cứ xem xét giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.
Trong giai đoạn 2 này, các cơ quan tố tụng tập trung điều tra, truy tố và xét xử về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.
Đối với các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có việc các khách hàng của SCB gửi tiền tiết kiệm sau đó bị chuyển đổi thành trái phiếu sẽ được xem xét trong giai đoạn 2 của vụ án.