Vừa kêu khó xin hỗ trợ, Bamboo báo khai thác vượt 10%

Bamboo Airways liên tục dẫn đầu bảng thống kê các hãng phục hồi và vượt công suất khai thác, trong bối cảnh hãng này vừa đề xuất xin hỗ trợ từ Chính phủ.

Trong khi báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) miêu tả một cách bi quan về tình hình hoạt động của ngành hàng không dân dụng trong năm 2020 thì, Bamboo Airways lại đang cho thấy điều ngược lại với kết quả khai thác vượt so với cả cùng kỳ năm trước.

Vừa kêu khó xin hỗ trợ, Bamboo báo khai thác vượt 10% - Ảnh 1
Bamboo liên tục dẫn đầu bảng thống kê các hãng phục hồi tốt. Ảnh: Bizlive

Theo thông tin trên báo Giao thông, trong năm 2020, Bamboo Airways đã khai thác vượt tới 10% tổng số chuyến bay và số lượt khách so với cùng kỳ, liên tiếp dẫn đầu bảng thống kê các hãng phục hồi và vượt công suất khai thác sau dịch bệnh. 100% số chuyến bay được thực hiện an toàn tuyệt đối, không xảy ra bất cứ sự cố đe dọa an ninh nào. Hiện hãng đang chiếm giữ gần 20% thị phần.

Đáng chú ý, so với năm 2019, số lượng phi công và tiếp viên của hãng trong năm 2020 vẫn tăng tới 20%, trong khi tổng số nhân sự tăng 17%.

Kết quả trên có phần không thống nhất với những gì hãng này đã thể hiện trước đó, tại thời điểm các hãng hàng không đồng loạt xin hỗ trợ để vượt qua dịch bệnh.

Cụ thể, trong thông cáo báo chí, Chủ tịch Bamboo Airways cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, hãng hàng không non trẻ này ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý I/2020.

Chủ tịch Bamboo Airways cũng cho biết thêm, do khó khăn nên hãng sẽ thuê thêm máy bay trong năm nay thay vì mua thêm như kế hoạch trước đó.

Sau khi thông báo lỗ, hãng bay này cũng có văn bản kiến nghị xin hỗ trợ như chính sách hỗ trợ cho Vietnam Airlines.

Cụ thể, đại diện Bamboo Airways cho hay, quy mô hãng bay này nhỏ bằng 1/3 - 1/4 so với Vietnam Airlines và Vietjet, nhưng thiệt hại do COVID-19 cũng không kém. Vì thế, hãng này đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét gói tài chính hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines.

Theo đó, chính sách đề xuất là cho vay bằng lãi suất tái cấp vốn như 4.000 tỷ dành cho Vietnam Airlines.

Đề xuất này đã gặp phải phản ứng của giới chuyên gia và các ĐBQH. Trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) nói thẳng, Bamboo không thể so bì với Vietnam Airlines.

Vietnam Airlnes là thương hiệu quốc gia, đóng góp lớn cho ngân sách cũng đồng thời vẫn đang thực hiện những nhiệm vụ chính trị như ngoại giao. Vì lý do này, cơ chế hỗ trợ cho Vietnam Airlines cũng phải khác.

"Vietjet, Bamboo là doanh nghiệp hàng không nhưng cũng giống như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế khác, đều gặp khó khăn và cũng cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cho Vietjet hay Bamboo chỉ thực hiện theo cơ chế hỗ trợ chung giống như các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác, không thể đòi hỏi hỗ trợ như Vietnam Airlines được", vị đại biểu nêu quan điểm.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Hoàng Giang - nguyên Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình nói thẳng không đồng tình với quan điểm phải hỗ trợ cho Vietjet, Bamboo và cảnh báo hiện tượng "mượn cớ dịch bệnh để bù đắp cho những thua lỗ do điều hành yếu kém của ngành".

An An

Theo Báo Đất Việt