WB: Việt Nam thận trọng với rủi ro nợ xấu gia tăng

Đây là cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 8/2021.

Trong báo cáo này, WB cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong nửa đầu năm 2021 để tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế thực. NHNN giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4%, và khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay mới với lãi suất thấp hơn hoặc tái cơ cấu các khoản vay đã có, miễn, giảm lãi, phí, và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid – 19.

Cụ thể, ba lần trong năm 2020, NHNN đã giảm lãi suất tái cấp vốn (tổng cộng 2 điểm phần trăm) và lãi suất huy động với kỳ hạn dưới 6 tháng (từ 0,6 đến 1,0 điểm phần trăm một năm), đồng thời giảm trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên 1,5 điểm phần trăm. Mục đích nhằm duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19.

Đến cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng đã tái cơ cấu nợ cho 270.000 khách hàng, với tổng giá trị 335 ngàn tỷ đồng (14,5 tỷ USD). Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn miễn hoặc giảm lãi suất cho vay cho trên 600.000 khách hàng với tổng giá trị khoảng 1.630 ngàn tỷ đồng (70,3 tỷ USD), và cấp trên 2.300 ngàn tỷ đồng (99,2 tỷ USD) vốn vay ưu đãi cho trên 400.000 khách hàng.

WB đánh giá, tổng lợi nhuận khu vực ngân hàng vẫn ở mức lành mạnh, ít nhất là trên giấy tờ, trước khi biện pháp mới ban hành vào tháng 4/2021 của NHNN có hiệu lực. Trong quý I năm 2021, biên độ lãi suất ròng bình quân rơi vào mức 3,35%, tương đương với các năm trước đó (toàn bộ năm 2019 và 2020). Tỷ suất lợi nhuận bình quân trên tài sản là 1,55% trong ba tháng đầu năm 2021, cao hơn so với 2019 (1,07%) và 2020 (1,10%).

"Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng do tác động của COVID-19 chưa được phản ánh hết trên sổ sách của ngân hàng, nghĩa là tài sản có trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng dự kiến được nắm giữ đến khi đáo hạn (thường bao gồm các khoản vay của khách hàng và tiền gửi của tổ chức và dân cư) do chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, và con số bình quân có thể che đi các vấn đề mà mỗi ngân hàng đang phải đối mặt", WB lưu ý.

Thời gian qua một loạt ngân hàng báo lãi khủng bất chấp đại dịch Covid-19 song rủi ro nợ xấu vẫn còn đó. Ảnh minh họa  
Thời gian qua một loạt ngân hàng báo lãi khủng bất chấp đại dịch Covid-19 song rủi ro nợ xấu vẫn còn đó. Ảnh minh họa  
 

Cũng theo WB, NHNN tiếp tục chính sách cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, được ban hành từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 năm 2020. Văn bản hướng dẫn sửa đổi đưa ra khung thời gian rõ ràng cho chính sách này đến tháng 12/2021, vì vậy các ngân hàng sẽ có đủ thời gian chuẩn bị cho khả năng nợ xấu tăng lên sau khi chính sách chấm dứt.

NHNN cũng mở rộng phạm vi các khoản vay đủ điều kiện được gia hạn và phân loại, đồng thời yêu cầu các ngân hàng từng bước tăng dự phòng cho các khoản nợ được tái cơ cấu trong khoảng thời gian ba năm (đến tháng 12/2023). Yêu cầu tăng dự phòng nhằm tránh tình trạng các ngân hàng gặp cú sốc bất lợi về lợi nhuận sau khi chính sách hoãn trả nợ kết thúc.

Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đã vượt qua tăng trưởng GDP danh nghĩa một cách có hệ thống từ đầu khủng hoảng COVID-19. Tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong nửa đầu năm từ mức khoảng 10 đến 12% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 12/2020 lên trên 15% (so cùng kỳ năm trước) cuối tháng 7/2021. Đồng thời, thanh khoản vẫn dồi dào trong hệ thống tài chính khi tổng tiền gửi tăng lên 16,4% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 4/2021, từ mức 14,0% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 12/2020. Tuy nhiên, tốc độ tăng tổng tiền gửi đã giảm từ tháng 5 do những bất định về đại dịch tăng lên, còn tăng trưởng tín dụng vẫn được giữ ở mức khoảng 15%.

Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng nhanh là động thái hỗ trợ đáng hoan nghênh cho một số doanh nghiệp và hộ gia đình đang gặp khó khăn tài chính từ đầu đại dịch, nhưng cũng mang theo những rủi ro tiềm tàng, WB nhận xét.

Ví dụ, hiệu quả của cách tiếp cận này có thể cần được xem lại khi lãi suất thực đã ở mức rất thấp, và khi một tỷ lệ lớn doanh nghiệp và hộ gia đình chưa có quan hệ trực tiếp với các ngân hàng thương mại; hiện chỉ có một phần ba hộ gia đình ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng vào năm 2017.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, WB cho biết, cho vay có mục tiêu thường xảy ra tình trạng thiếu minh bạch về lý do, cơ sở kinh tế cho việc thực hiện cấp, quy mô và cách thức phân bổ các khoản vay này, bao gồm các khoản vay dành cho DNNN và các doanh nghiệp lớn tiên phong của quốc gia mà có thể đang gặp khó khăn tài chính. Rủi ro không thanh toán được của các khoản vay này cuối cùng có thể được chuyển từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính, và vì vậy khu vực tài chính có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn theo thời gian.

Rủi ro nợ xấu

Theo WB, mặc dù ổn định tài chính chung đã được duy trì đến cuối tháng 6/2021, nhưng chất lượng khoản vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP đạt mức 136% năm 2019, tăng mạnh lên 146% tính đến cuối năm 2020 làm gia tăng nguy cơ cho các ngân hàng do quan hệ của họ với những ngành kinh tế thực bị ảnh hưởng, như du lịch, hàng không, và có thể cả bất động sản.

Với thực tế là hai đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, nhất là đợt dịch tháng 5, đã ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ và một số tiểu ngành chế biến, chế tạo, doanh nghiệp và người dân có lẽ sẽ ngày càng nhiều gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ.

Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo trong danh mục của các ngân hàng chỉ tăng rất ít, từ 1,63% trong tháng 12/2019 lên 2,14% trong tháng 9/2020, nhưng đúng là việc NHNN chưa công bố số liệu gần đây cũng làm dấy lên quan ngại. Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu đang thấp do NHNN ban hành các biện pháp tạm thời cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn. Ngoài ra, rủi ro mất khả năng trả nợ tăng lên có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực tài chính theo thời gian. Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống còn 11,13% vào tháng 12/2020, và 11,1% cuối tháng 6/2021.

Những số liệu chung trên có thể che lấp đi nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, trong đó có những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp, được thể hiện qua việc thiếu khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II.

Viễn cảnh trước mắt và trong trung hạn (2021-2023), WB khuyến cáo Việt Nam cần cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng.

"Trong bối cảnh những đợt dịch gần đây, đặc biệt là đợt bùng phát trên diện rộng bắt đầu từ tháng 5, đã khiến nhiều doanh nghiệp ở các thành phố lớn và một số khu công nghiệp phải đóng cửa phòng dịch, cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ cần thận trọng với những rủi ro đang gia tăng về nợ xấu. Họ cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự ổn định của hệ thống ngân hàng, hiện vẫn còn có một số ngân hàng chưa đảm bảo an toàn vốn.

Một hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ tiềm năng ở từng ngân hàng và cả hệ thống. Các cấp có thẩm quyền cần xây dựng chiến lược chấm dứt các biện pháp cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ rõ ràng. Việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay và các ngân hàng, vì vậy cần được theo dõi chặt chẽ.

Điều cần làm nữa là sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài trong hệ thống ngân hàng vì nó có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng.

Thêm vào đó, cũng cần có cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và đang gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II", WB khuyến nghị.

Minh Thái

Theo Đất Việt