Ngân hàng báo lãi lớn: Thực đến đâu?

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nếu "trần trụi" nợ xấu, trích lập dự phòng một cách sòng phẳng, thì nhiều ngân hàng sẽ chuyển lãi thành lỗ..

Trong khi kinh tế đình trệ, doanh nghiệp lao đao, giải thể hàng loạt vì tác động của đại dịch Covid-19 thì các ngân hàng liên tục báo lãi lớn.

Báo Dân Việt dẫn lời TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho hay, việc các ngân hàng lãi lớn hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng – theo cách nhìn của doanh nghiệp, thực chất con số này chỉ là con số "ảo".

Ông Nghĩa phân tích, một năm rưỡi qua, các ngân hàng thương mại công bố lợi nhuận rất lớn, từ 12-20% vốn điều lệ (ROE). Thực chất đây là lợi nhuận có bao gồm cả các khoản giãn, hoãn nợ (nợ xấu) mà chưa phải trích lập dự phòng rủi ro. Nói cách khác, đây là lợi nhuận dự tính thu được (lãi dự thu), không phải là tiền thật 100%. Cổ đông ngân hàng phấn khởi, ngân sách tăng thu nhưng đều là thu từ nợ xấu chưa hạch toán nội bảng.

Các ngân hàng dồn dập báo lãi thời gian qua. Ảnh: TTXVN  
Các ngân hàng dồn dập báo lãi thời gian qua. Ảnh: TTXVN  
 

Nếu theo tiêu chuẩn kế toán quốc tế (IAS), nợ xấu mất vốn bị hạch toán trừ vào vốn điều lệ (Vốn cấp I) thì thực chất là đang ăn vào vốn. Khi dịch Covid-19 đi qua, hết hạn giãn, hoãn nợ, nợ xấu sẽ tăng đột biến trên nội bảng, trích lập dự phòng rủi ro tăng cao, lợi nhuận dự thu giảm mạnh, nhiều ngân hàng có thể rơi vào tình trạng "tài chính hậu kỳ bất lực" nguy hiểm, như đã từng xảy ra vào những năm đầu của thập kỷ qua.

"Nói tóm lại, lợi nhuận ngân hàng hiện nay là ảo, vốn cũng ảo vì tại các quốc gia khác, ví dụ vốn điều lệ của anh là 10.000 tỷ nhưng có tới 5.000 tỷ là nợ xấu thì vốn sau đánh giá lại chỉ còn 5.000 tỷ, nhưng Việt Nam không thực hiện đánh giá lại vốn. Nếu "trần trụi" nợ xấu, trích lập dự phòng một cách sòng phẳng, thì nhiều ngân hàng sẽ chuyển lãi thành lỗ. Các ông chủ ngân hàng hiện nay chia nhau cổ tức bằng chính vốn liếng của mình", ông Nghĩa nói.

Còn trên mặt bằng chung, lãi suất huy động vẫn ở mức 3,5-6%/năm như hiện nay, theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa, cơ hội để giảm tiếp lãi suất tiền gửi là rất thấp thậm chí được coi là mạo hiểm. Do đó, việc "cả làng" xin giảm lãi suất, thậm chí đưa lãi suất về 0% đang làm khó các ngân hàng.

Trước đó, trao đổi trên báo chí, chuyên gia tài chính-ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ băn khoăn: Tại sao trong điều kiện nền kinh tế đình trệ, doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động không ngừng gia tăng mà các ngân hàng vẫn liên tục báo lãi lớn? Số lãi đó liệu có thực? Theo ông, nếu nó là thực thì quả là nghịch lý.

"Ngân hàng kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận dựa trên sự tăng trưởng của nền kinh tế, sự phát triển của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, khi rất nhiều thành phố lớn "đóng băng" (những thành phố này đóng góp tỷ trọng đa số trong GDP), mà các ngân hàng vẫn có những con số đẹp trên báo cáo tài chính thì cần xem lại cách hạch toán nợ xấu, lãi dự thu trong khoảng 1 năm trở lại đây", TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, đồng thời cho rằng, lợi nhuận thực của các ngân hàng thấp hơn nhiều so với những con số trên sổ sách.

"Khi cả nền kinh tế lao đao, doanh nghiệp ngừng hoạt động, ngân hàng không thể báo lãi mãi được", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Minh Thái

Theo Đất Việt