Giữa mùa dịch, 'ông lớn' ngân hàng rao bán bao bì, túi nilon... để thu hồi nợ

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VIB, Sacombank ,... đang dồn dập rao bán các khoản nợ để thu hồi nợ xấu từ bất động sản, ô tô đến cả vỏ bình gas, bao bì, túi nilon,...

Vietcombank rao bán túi nilon, BIDV rao bán vỏ bình gas

Mới đây, tại Vietcombank chi nhánh Quảng Ninh thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là lô hạt nhựa các loại tại Lô 33A, Khu công nghiệp Cái Lân, phường Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh.

Cụ thể, tài sản rao bán gồm hạt nhựa nguyên sinh, bao hạt nhựa không nhãn mác, hàng nhựa tái chế, bao bì không nhãn mác, túi nilon, bao bì không xác định… Tổng khối lượng là 273.640 kg, với giá khởi điểm được chào bán là hơn 6,1 tỷ đồng.

Số hàng hóa này đều là hàng tồn kho luân chuyển thuộc sở hữu của Công ty TNHH Chế phẩm nhựa Minh Tường Việt Nam, bao gồm lô hàng hóa hạt nhựa các loại: Hạt nhựa nguyên sinh LLDPE, HDPE, Hạt màu các loại, hạt tái chế, hạt không nhác mác, vỏ thùng cacton, túi nilon thành phẩm, bán thành phẩm…

Tại Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc phát mại loạt máy móc thiết bị sản xuất đèn led, thiết bị chiếu sáng led tại phường Phong Kê, TP. Bắc Ninh.  
Tại Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc phát mại loạt máy móc thiết bị sản xuất đèn led, thiết bị chiếu sáng led tại phường Phong Kê, TP. Bắc Ninh.  

Tài sản rao bán gồm các máy băng tải tự động dùng để cấp bản mạch trong quá trình sản xuất, máy in kem hàn lên bảng mạch, máy di chuyển bản mạch, máy hàn đối lưu bằng phương pháp nóng chảy… với giá khởi điểm hơn 1,9 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dầu khí Việt Nam.

Tài sản bảo đảm của khoản nợ là toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư của dự án "Trạm chiết nạp gas Hải Dương" gồm: các công trình, máy móc thiết bị; tài sản gắn liền với đất; 90.065 vỏ bình gas; ôtô các loại; 406.325 cổ phiếu Công ty CP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải thuộc sở hữu của ông Nguyễn D.H.… Giá khởi điểm của khoản nợ là hơn 21,1 tỷ đồng.

Được biết, tính đến cuối quý 2/2021, tổng nợ xấu của Vietcombank tăng 31% so với đầu năm, chiếm gần 6.865 tỷ đồng. Trong đó, tất cả các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh, tăng cao nhất là nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) gấp 3,4 lần lên mức hơn 757 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 37% và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) cũng tăng 20% lên mức gần 5.190 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,62% lên 0,74%.

Tại BIDV, tổng nợ xấu tính chỉ giảm nhẹ 1% so với đầu năm, còn 21.140 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,76% xuống còn 1,63%.  
Tại BIDV, tổng nợ xấu tính chỉ giảm nhẹ 1% so với đầu năm, còn 21.140 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,76% xuống còn 1,63%.  

Lo ngại nợ xấu gia tăng, VIB, TPBank “chật vật” thanh lý ô tô để xử lý nợ

Hiện tại, những nhà băng từng đẩy mạnh mảng cho vay mua ô tô như VIB, TPBank,...đang phải "chật vật" thanh lý ô tô để xử lý nợ xấu.

Điển hình như Ngân hàng Quốc tế VIB, từ đầu năm đến nay rao bán hàng trăm chiếc xe ô tô thuộc đủ mọi chủng loại với giá cả đa dạng từ 150 triệu đồng đến hàng tỷ đồng như: Chevrolet Spark 2018 giá 155 triệu; Ford Transit BKS 51B SX 2016 giá 292 triệu đồng; Toyota Vios 2017 giá 400 triệu đồng,... Thậm chí chiếc Ford Transit - 2021 rao bán chỉ với giá 576 triệu đồng; chiếc Mercedes-Benz GLC200-2019 đã sử dụng 30.854km được rao bán với giá hơn 1,3 tỷ đồng, hay chiếc BMW 218i sản xuất năm 2016, đi 67.000km, giá thị trường khoảng 820 triệu đồng,...

Hàng loạt các xe khách, xe tải cũng được rao bán rầm rộ như xe khách Thaco HB đời 2016 giá 490 triệu đồng; xe Huyndai New thời 2018 giá 360 triệu đồng; chiến Ford-Transit-2021 với giá 576 triệu đồng;...

Giữa mùa dịch, 'ông lớn' ngân hàng rao bán bao bì, túi nilon... để thu hồi nợ - Ảnh 1

Ngân hàng TPBank cũng đang rao bán hàng loạt xe ô tô để xử lý nợ. Từ tháng 5 đến nay nhà băng này thông báo thanh lý khoảng 40-50 chiếc xe ôtô, rao bán với giá khởi điểm chỉ từ 150 triệu đồng/chiếc. Trong đó có chiếc Mercedes GLC250 sản xuất năm 2017 được rao bán với giá hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngoài VIB, TPBank, ngân hàng Sacombank cũng đang rao bán một số xe ô tô con, xe tải để thu hồi công nợ như Kia Morning với giá 111,6 triệu đồng; xe tải hiệu Dongfeng thời 2009 giá 419 triệu đồng hay xe Mercedes Ben thời 2015 giá hơn 728 triệu đồng;...

Được biết, trước khó khăn chung của nhiều khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều ngân hàng đã cơ cấu nợ cho một số khách hàng vay mua ô tô theo hướng giãn nợ hoặc giảm số tiền phải trả nợ hàng tháng. Với những trường hợp xét thấy không còn khả năng thanh toán, ngân hàng sẽ thu hồi tài sản, thanh lý để xử lý nợ.

Tuy nhiên, việc thanh lý tài sản đảm bảo là ô tô lại đang gặp nhiều khó khăn, gây khó cho các ngân hàng mặc dù xe ô tô bị siết nợ được ngân hàng rao bán nhận được sự quan tâm nhất của cộng đồng, bởi giá thanh lý khá rẻ so với các sản phẩm tương tự đang được bán ngoài thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường trầm lắng, cộng thêm nhiều người dân và nhà đầu tư cũng khó khăn về dòng tiền nên khó thu hút giao dịch.

Thực tế, có ngân hàng thừa nhận nợ xấu tăng trong quý đầu năm chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô.

Ngân hàng TPBank và VIB hiện là hai nhà băng thanh lý nhiều tài sản bảo đảm là xe hơi nhất. Đây cũng là 2 ngân hàng chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực cho vay mua ôtô trên thị trường. Do đó, nợ xấu tại VIB, TPBank cũng tăng trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, tổng nợ xấu của TPBank tăng 7% so với đầu năm, lên mức 1.519 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn giảm 30% còn 300 tỷ đồng, nhưng nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng 30% ghi nhận hơn 871 tỷ đồng. Tại VIB nợ xấu tăng 5%, ghi nhận gần 3.094 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn với hơn 809 tỷ đồng, tăng 43%.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ