10 dấu ấn nổi bật của thị trường chứng khoán năm 2017
- VN-Index tăng 48% trong năm 2017. Vốn hóa thị trường lên 75% GDP, quy mô gần 5.000 tỷ đồng/phiên. Doanh nghiệp trong nước còn chuẩn bị việc niêm yết trên NASDAQ. Đây là thời kỳ chứng khoán niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước lên cao nhất trong 10 năm trở lại đây
1. Điểm số tăng ấn tượng
Đầu năm 2017, trong hội thảo BizTALK "Làm ăn gì 2017” do Tạp chí điện tử BizLIVE tổ chức, dù rất lạc quan nhưng các chuyên gia tham gia chương trình cũng thận trọng cho rằng chỉ số VN-Index sẽ tăng lên gần 800 điểm.
Tuy nhiên với một loạt gương mặt mới vốn hóa khủng cùng các thương vụ thoái vốn lớn, thị trường chứng khoán đã có năm tăng trưởng vượt ngoài sức tưởng tượng của chính những chuyên gia chứng khoán khi lên cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Càng vế cuối năm, điểm số càng gây ấn tượng, VN-Index đã tăng 48%, áp sát mốc 1.000 điểm, trong khi đó HNX-Index cũng tăng 45% lên trên 116,86 điểm.
2. Vốn hóa đạt 75% GDP, thanh khoản xấp xỉ 5.000 nghìn tỷ đồng/phiên
Theo thống kê gần đây của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), mức vốn hóa thị trường đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020.
Thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016.
3. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh giúp dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục
Trái với hoạt động bán ròng diễn ra trong cả năm ngoái, 2017 là năm nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
UBCK cho biết số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng đạt 1,9 triệu tài khoản tăng 11% so với cuối năm 2016, trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 14,3%.
Tính đến ngày 29/12/2017, khối ngoại đã mua ròng trên 2 sàn 25.983 tỷ đồng.
Cùng với đó, dự trữ ngoại hối cũnglên mức kỷ lục giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm sức mạnh để ổn định tỷ giá. Theo công bố, mức dự trữ ngoại hối đã tăng lên 51,5 tỷ USD nếu tính cả số tiền thu được từ bán vốn tại Sabeco.
4. Ủy ban chứng khoán Nhà nước có lãnh đạo mới
Vào khoảng giữa năm nay, sau khi ông Vũ Bằng rời ghế Chủ tịch UBCK để về hưu, vị trí của người đứng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam đã có người kế nhiệm, một gương mặt khá quen thuộc với giới tài chính là ông Trần Văn Dũng.
Ở độ tuổi trên 40 cùng hơn 25 kinh nghiệm trong ngành, lãnh đạo mới được kỳ vọng sẽ còn đem lại nhiều thay đổi cho thị trường chứng khoán.
5. Thị trường chứng khoán phái sinh chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2017
Sau chưa đến nửa năm vận hành, thị trường phái sinh đã ghi nhận thành công rõ rệt.
Tính đến hết ngày 15/12/2017, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường này đạt 946.326 hợp đồng, tổng giá trị tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt hơn 81 nghìn tỷ đồng.
Bình quân khối lượng giao dịch đạt 10.399 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch đạt gần 900 tỷ đồng/phiên, tăng tương ứng xấp xỉ 21 và 24 lần so với phiên giao dịch đầu tiên.
Tính đến 15/12/2017, khối lượng OI của toàn thị trường đạt 6.796 hợp đồng gấp 34 lần so với phiên giao dịch đầu tiên.
Hiện có 7 Công ty chứng khoán thành viên và 14.034 tài khoản giao dịch phái sinh của nhà đầu tư được mở tính tới hết ngày 15/12.
6. ETF của Việt Nam ngày càng thành công
Xu hướng đầu tư theo chỉ số đã ngày càng phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam dù mới ra mắt nhưng mô hình ETF cũng càng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư đặc biệt là khối ngoại.
Hiện giá trị tài sản ròng của quỹ E1VNFVN30 đạt đỉnh là 2.717 tỷ đồng tính đến ngày 28/12.
Lặng lẽ nhưng NAV của E1VNFVN30 đã lên tới 2.717 tỷ đồng tính đến ngày 28/12 trong khi giá Chứng chỉ quỹ liên tục lập kỷ lục.
7. Cơn sốt thoái vốn
Thương vụ bán vốn Sabeco là một trong những thương vụ ấn tượng nhất của năm khi Bộ Công thương thu về gần 5 tỷ USD từ việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư Thái Lan.
Ngoài ra, việc bán được 48,3 triệu cổ phần của VNM thu về gần 9.000 tỷ đồng cũng là diễn biến đáng chú ý của hoạt động thoái vốn nhà nước.
8. Một loạt hàng khủng lên sàn niêm yết
Cả khối doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều đưa lên sàn chứng khoán những mặt hàng chất lượng. Với nhà nước, đó là cổ phiếu PLX của Petrolimex.
Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân có cổ phiếu VPB của VP Bank, VRE của Vincom Retail, VJC của VietJet Air, VCI của Chứng khoán Bản Việt trong đó VRE hiện có vốn hóa đứng thứ 6 tại HOSE (90 nghìn tỷ đồng).
Các mã VJC và VPB có vốn hóa lần lượt là 66.257 tỷ đồng và 61.400 tỷ đồng.
9. Các vụ xử phạt mạnh tay mang tính răn đe hơn
Hơn 320 vụ xử phạt đã được UBCK thực hiện trong năm 2017 và trong những ngày cuối năm, thị trường chứng khoán và truyền thông càng được nóng lên với thông tin xử phạt bà Đỗ Thị Cẩm Thúy. Tổng giá trị nộp phạt lên tới gần 10 tỷ đồng do tội thao túng giá cổ phiếu.
Với sự kiện Luật hình sự 2015 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018, nhiều hành vi vi phạm sẽ không còn chỉ bị xử phạt hành chính như trước nữa.
Ngoài tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”, các tội như cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211); Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212) đều sẽ bị xử mạnh tay.
10. Doanh nghiệp trong nước tham vọng đánh chuông trên sàn NASDAQ
Không ít các doanh nghiệp trong nước đã tìm đường liên niêm yết trên các sàn chứng khoán quốc tế nhưng phần lớn mới dừng lại ở mức tìm hiểu.
Vào tháng 5/2017, CTCP VNG đã một lần nữa làm dậy sóng khi phát đi thông cáo cho biết hiện VNG đang xúc tiến để quá trình IPO tại Mỹ và dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn NASDAQ.
Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG và ông McCooey, Phó chủ tịch NASDAQ.
Thỏa thuận thúc đẩy quá trình IPO giữa VNG và NASDAQ được ký vào chiều 29/5/2017 giờ New York, Mỹ (sáng ngày 30/5 theo giờ Việt Nam).
Theo MAI HƯƠNG
Bizlive
Link nguồn: http://bizlive.vn/tai-chinh/10-dau-an-noi-bat-cua-thi-truong-chung-khoan-nam-2017-3428175.html