12 dự án sân golf Quảng Bình: Học Trung Quốc phần sai?

- Trong khi thế giới, Trung Quốc đang hạn chế xây dựng, xóa bỏ bớt các sân golf thì Quảng Bình đẩy nhanh làm 12 sân golf lớn.

4 tác động nguy hại

Quảng Bình đang có dự định triển khai xây dựng 12 sân golf với quy mô lớn và dự định chi một Tập đoàn lớn vào khảo sát xây dựng tuyến cáp treo vào di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Được biết, vùng được chọn xây dựng chuỗi sân golf là dải cát ven biển từ xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (hoặc từ xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) đến xã Hồng Thủy (hoặc xã Ngư Thủy), huyện Lệ Thủy với tổng diện tích khoảng 1.000ha.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 19/1, TS Dương Văn Ni - chuyên gia sinh thái môi trường, ĐH Cần Thơ cho biết: "Trên thế giới, sân golf được xây dựng ở những nơi xa khu dân cư, đất không canh tác được hoặc hiệu quả không cao.

Còn ở Việt Nam đang có xu hướng làm sân golf ngay gần các con sông, mà ở các vị trí nhạy cảm như vậy rất khó để xử lý được vấn đề về môi trường. Chất độc hại rất dễ chảy tràn ra sông, thẩm thấu xuống đất và người dân ở xung quanh đó sẽ đối diện nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Hiện nay, chúng ta hình thành cả một xu hướng các nhà đầu tư lùng sục các vùng bãi sông để lấy đất làm sân golf, như dự án ngoài đê sông Đuống (Hà Nội), đảo Hồng Ngọc (Quảng Ngãi), cửa biển Sầm Sơn (Thanh Hoá), sông Giá (Hải Phòng)…

Và giờ nói ngay như vị trí của Quảng Bình dự định làm là cũng dọc theo con sông Kiến Giang và Nhật Lệ, kéo dài gần 20km".


Quảng Bình dự tính xây dựng 12 sân golf


Phân tích cụ thể hơn về những tác động của sân golf đến môi trường, ông Ni cho hay: thứ nhất, sân golf phải sử dụng nhiều hóa chất như phân bón, phân hóa học để duy trì độ xanh của cỏ, mà khi phân bón hóa học, đạm dư thừa sẽ chuyển thành dạng nitrat (NO3-) hoặc nitrit (NO2-) là những dạng gây độc trực tiếp cho các động vật thủy sinh, gián tiếp cho các động vật trên cạn khi sử dụng nguồn nước.

Đặc biệt gây hại cho sức khỏe những người trực tiếp sử dụng các nguồn nước hoặc sử dụng các sản phẩm trồng trọt, nhất là các loại rau quả ăn tươi.

Thứ hai, làm sân golf cần rất nhiều nước, nên thành ra các sân golf thường thích xây ven các dòng sông để tận dụng nguồn nước đó, nhưng khi vào mùa nước cạn sẽ dẫn đến tranh chấp nguồn nước. Và khi nó sử dụng nguồn nước này hàng ngày thì lượng hóa chất sân golf sử dụng sẽ theo dòng chảy trôi xuống, lâu ngày dẫn tới ô nhiễm.

Thứ ba, thường thì mấy sân golf phải nhập cỏ về trồng, cỏ này không phải cây bản địa, là cây ngoại lai, nhập nơi khác tới, nên không thích nghi được môi trường, nên sẽ tạo ra dịch bệnh trên cây trồng, lượng thuốc sâu sử dụng lại càng nhiều.

Cuối cùng, khi làm sân golf còn phải theo dõi hướng gió, nếu có vướng cây thì họ sẽ chặt hết các cây tự nhiên để làm sân bóng.

Mặt khác, ông Ni nhấn mạnh: "Khu vực Quảng Bình đang dự định làm sân golf chủ yếu là các cồn cát nằm ven biển và nó có giá trị còn lớn hơn giá trị kinh tế mà chúng ta nghĩ tới.

Nếu nghĩ đơn giản vùng đất đó trồng cây hay làm gì thì thu nhập chỉ bao nhiều tiền trên ha, nhưng thực tế nó điều tiết lượng nước của dòng sông, hệ sinh thái của dòng sông, đôi khi là chỗ ở, chỗ sinh đẻ của nhiều loại cá, thành ra nó giữ hệ đa dạng sinh học của dòng sông.

Nếu đánh đổi thì tất cả những cái đó quy ra kinh tế thì lớn lắm, trên đất đôi khi kinh tế còn dễ tính, trên dòng sông thì làm sao tính hết được giá trị, cái này không đánh đổi được. Giá trị dòng sông là một giá trị cao tuyệt đối không đánh đổi được. Kinh tế hiểu theo kiểu đồng tiền vào và ra thì sân golf không thể so sánh với hệ sinh thía dòng sông mang lại cho cả vùng đó''.

>>> Sân bay tắc nghẽn sao còn cắt đất làm sân golf?

 

Thế giới bỏ, Việt Nam lại làm nhiều?

Ở một góc độ khác, theo ông Ni, ông cũng đọc và tìm hiểu nhiều về các dự án golf ở một số nước trên thế giới, theo ông ngay đến như Trung Quốc phát triển sân golf với tốc độ chóng mặt, năm 2012, Ủy ban Phát triển và cải tạo quốc gia (NDRC), cơ quan quy hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, cũng đã quyết định đóng cửa 66 sân golf xây dựng sai quy định, nhằm bảo vệ đất canh tác và tránh ô nhiễm nguồn nước.

Trong đó, đảo Hải Nam nơi mà Quảng Bình nói là địa phương học hỏi theo, cũng có 3 sân golf bị đóng cửa.

Đến thời điểm năm 2012, Trung Quốc có tổng cộng khoảng 170 sân golf, so với 600 sân trước năm 2009, nghĩa là số lượng đã giảm đi nhanh chóng.

Trong khi, các nước trên thế giới và cả Trung Quốc đã có xu hướng giảm bớt sân golf thì Việt Nam lại rộ lên trào lưu mới, mở nhiều thêm, đến nay cũng có gần 100 sân golf lớn nhỏ.

"Thực ra, sân golf là một hình thức kinh doanh, ở Việt Nam cũng bắt đầu có những người thu nhập cao, có nhu cầu sử dụng, nhưng cũng chỉ là phong trào, tỉnh nào cũng mở. Với Quảng Bình cũng vậy, liệu với 12 sân golf có ai đến chơi hết số lượng đó ở một tỉnh như Quảng Bình không, tôi thì khá lo lắng.

Nhiều thành phố của Trung Quốc hiện nay đang bị ô nhiễm trầm trọng nguồn nước, nên họ đã thấy cái giá phải trả còn lớn hơn kinh tế họ có được hơn 20 năm qua, đặc biệt chi phí khôi phục tốn kém vô cùng, nên họ đã dừng lại trước khi quá muộn.

Nói thế mới thấy Quảng Bình nói học hỏi Trung Quốc, nói là học tập kinh nghiệm nhưng phải biết cách áp dụng vào điều kiện cụ thể của đất nước, chứ không phải bê nguyên xi. Chúng ta hiện nay mắc bệnh chạy theo số lượng, chạy theo phong trào, tỉnh này có, tình kia cũng phải có.

Trong khi, thế giới họ đi trước chúng ta cả 30-40 năm, đã có những bài học kinh nghiệm, đáng lẽ phải thấy để tránh, nhưng lại đi theo vết xe đổ đó, buồn là vì chúng ta còn quá nghèo để có thể sai lầm", ông Ni chỉ rõ.

Chỉ vì lợi ích kinh tế ngắn hạn

Với Quảng Bình, vị chuyên gia sinh thái này cho rằng, có lẽ mới chỉ nhìn thấy cái lợi ích ngắn hạn, mà quên đi lợi ích lâu dài, thành ra đang có quá nhiều cảnh quan bị đe dọa phá vỡ, mà khai thác hiệu quả kinh tế lại không cao, trước mắt thấy có tiền thì vội vã phá vỡ để làm.

Họ chưa lường trước rằng nếu phá vỡ cảnh quan để khai thác kinh tế thì hệ lụy về lâu về dài nếu tính toán đơn thuần thôi cũng lỗ, cứ tưởng phá thì phục hồi lại được, nhưng đó là không thể.

"Chúng ta đang đi theo vết xe đổ của các nước, nó cũng như việc bán lúa giống, làm ruộng quý nhất là cái lúa giống, mà đem bán lúa giống đi rồi mua về một giống khác, chắc chắn sẽ thất bại không chỉ năng suất mà cả sâu bệnh, dịch bệnh, tiêu tốn mùa sau rất lớn.

Phát triển cũng vậy, không phải lợi ích kinh tế công trình đó mà là sự hài hòa, tổn thương về cảnh quan, môi trường, nhiều thế hệ sau này khắc phục, tổng chi phí khắc phục gấp mấy lần lợi ích nó đem lại.

Tôi thấy làm lạ, nhiều khái niệm kinh tế của công trình đầu tư chỉ nghĩ đến đồng tiền đem lại từ công trình đó, còn tác hại tổng thể thì không ai tính vào.

Chúng ta nên cân nhắc thật kỹ, ví dụ động Phong Nha - Kẻ Bàng, cả Việt Nam có mấy cái, rõ ràng chỉ có 1 cái, không phải của riêng Quảng Bình mà thuộc toàn bộ Việt Nam, toàn thế giới. Nhưng khi phá vỡ cảnh quan nơi này đem lại lợi nhuận cho Quảng Bình không có nghĩa người dân Hà Nội được hưởng lợi, mà thực tế họ đang bị mất đi chính di sản của họ. Qua đây, để thấy nếu đánh đổi quá nhiều như vậy thì có nên làm hay không?".

Theo Châu An
Báo Đất Việt


Link nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/12-du-an-san-golf-quang-binh-hoc-trung-quoc-phan-sai-3327494/?paged=2