27 ngân hàng niêm yết thu hút hơn 7,8 triệu tỷ đồng tiền gửi

Nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước tiếp tục bỏ xa phần còn lại trong việc thu hút tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế.

 

Giá trị tiền gửi của khách hàng tại thời điểm 30/6/2022 (đơn vị tính: tỷ đồng).
Giá trị tiền gửi của khách hàng tại thời điểm 30/6/2022 (đơn vị tính: tỷ đồng).

Tiền gửi của khách hàng tăng 4,74%

Tại thời điểm 30/6, tiền gửi của khách hàng tại 27 ngân hàng có cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán đạt 7.843.855 tỷ đồng. So với đầu năm, tiền gửi của khách hàng tăng 4,74%.

Tiền gửi của khách hàng tăng mạnh 3,34% trong quý 1/2022 và có dấu hiệu hụt hơi trong quý 2/2022 khi chỉ tăng 1,35% bất chấp nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất mạnh ở những kỳ hạn từ 6 tháng trở lên nhằm thu hút dòng vốn chảy vào nhà băng nhiều hơn.

Trong quý 2/2022, KienlongBank, Techcombank, OCB, VietABank, VietinBank và Sacombank cùng chấp nhận cảnh tiền gửi của khách hàng tăng trưởng âm. Ngoại trừ KienlongBank bị âm 17,55% thì các ngân hàng còn lại chỉ giảm nhẹ 0,3 - 2,21%. Ngược lại, SeABank trở thành quán quân tăng trưởng với 10%; xếp sau là VPBank, VIB, NamABank, NCB, HDBank tăng trưởng trên 5%.

Trong 6 tháng đầu năm, VPBank trở thành quán quân trong việc huy động tiền gửi với tốc độ tăng trưởng 22,16% so với đầu năm. Xếp phía sau VPBank là HDBank, VIB, TPBank đều là những ngân hàng có tiền gửi của khách hàng tăng trưởng trên 2 chữ số.

Trái ngược, tiền gửi của khách hàng tại PGBank, NCB, VietABank và OCB đều tăng trưởng âm từ 1,41 - 2,28%. Đặc biệt, KienlongBank chứng kiến sự giảm tiền gửi đến 15,91%.

BIDV, VietinBank, Vietcombank chiếm thị phần 48,5%

Những biến động tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng trên không quyết định nhiều đến việc lựa chọn nhà băng để gửi tiền của người dân và các tổ chức kinh tế. Bởi vì, thị phần vẫn nằm trong tay các ngân hàng có vốn Nhà nước như BIDV, VietinBank, Vietcombank. Ba ngân hàng này đã thống lĩnh 48,5% thị phần.

Tại thời điểm 30/6/2022, BIDV có 1.406.297 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng 0,72% trong quý 2 và 1,88% trong 6 tháng đầu năm nay.

VietinBank có 1.205.567 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, giảm 0,59% trong quý 2 và tăng 3,77% trong 6 tháng đầu năm nay.

Vietcombank có 1.195.392 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng 1,33% trong quý 2 và tăng 5,29% trong 6 tháng đầu năm nay.

Xếp sau BIDV, VietinBank, Vietcombank là các ngân hàng tư nhân có mạng lưới và tập khách hàng lớn như: Sacombank, MB, ACB, SHB, Techcombank.

Tỷ lệ tăng trưởng tiền gửi của khách hàng (%) tại thời điểm 30/6/2022 so với đầu năm nay.
Tỷ lệ tăng trưởng tiền gửi của khách hàng (%) tại thời điểm 30/6/2022 so với đầu năm nay.

Ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận

Tiền gửi của khách hàng là nguồn vốn dồi dào để ngân hàng thực hiện hoạt động cho vay nhằm sinh lợi nhuận. Đặc biệt những ngân hàng có chi phí huy động vốn thấp đến từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giúp lợi nhuận càng tăng cao.

NCB, KienlongBank, OCB là những ngân hàng có lợi nhuận giảm trong 6 tháng đầu năm nay đều có tiền gửi của khách hàng giảm.

MB và Techcombank nằm trong top những ngân hàng có lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm vượt 10.000 tỷ đồng đều có CASA nằm top 5 của thị trường.

Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), MB đã tạo ra sự khác biệt so với các ngân hàng niêm yết khác khi có sự gia tăng CASA trong bối cảnh các nhà băng khác đều có sự suy giảm CASA. BVSC cho rằng sự gia tăng CASA của MB nhờ tập khách hàng chất lượng cũng như đã gia tăng được khách hàng nhanh chóng. Cuối quý 2/2022, lượng khách hàng sử dụng ứng dụng MB lên tới 12,9 triệu người, tăng 17,3% so với cuối quý 1 và 228% so với cùng kỳ.

Việc MB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, chương trình miễn phí chuyển khoản hấp dẫn và những chương trình marketing thú vị sẽ giúp ngân hàng tiếp tục thu thút được ngày càng nhiều khách hàng sử dụng tài khoản MB làm tài khoản giao dịch chính và từ đó tiếp tục duy trì được vị thế CASA hàng đầu.

Mặc dù Techcombank đã có sự điều chỉnh gia tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn trong bối cạnh lạm phát kỳ vọng tăng cũng như các ngân hàng đối thủ gia tăng lãi suất cũng như lãi suất liên ngân hàng cũng đã có sự gia tăng đáng kể và CASA sụt giảm nhưng chi phí vốn của Techcombank chỉ tăng nhẹ 7 bps so với liền kề và 3 bps so với cùng kỳ. Có một số quan ngại khi CASA giảm 2,9% so với quý 1 xuống còn 47,5% cuối quý 2, tuy nhiên BVSC cho rằng việc suy giảm CASA này chỉ mang tính tạm thời trong bối cảnh hết hạn mức tín dụng ở hầu hết các ngân hàng thì khách hàng có nhu cầu sử dụng lượng tiền mặt sẵn có cũng như gia tăng cho vay mượn lẫn nhau để tối ưu hiệu quả.

Quý 2, CASA tại Vietcombank giảm 0,9% về 35,4%. Với vị thế hàng đầu thì Vietcombank có thể tăng trưởng CASA tích cực trong thời gian tới khi đã thực hiện chính sách miễn phí chuyển khoản, quản lý tài khoản.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống