6 lý do khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận tín dụng

Theo các chuyên gia, khả năng tiếp cận tín dụng đầy đủ của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần có “một cơ sở hạ tầng tài chính tốt” để vượt qua 4 khó khăn: thông tin bất cân xứng, động lực cho vay, chi phí giao dịch và cơ chế rời thị trường.

 

6 lý do khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận tín dụng - Ảnh 1
 

Tại hội thảo khoa học về nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia mới đây, bà Phạm Thị Thanh Huyền, chuyên gia của IFC, cho biết hiện chỉ 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam có khả năng tiếp cận tín dụng. Khoảng 70% còn lại khó hoặc không có khả năng tiếp cận tín dụng.

Chuyên gia của IFC chỉ ra 6 lý do dẫn đến thực trạng trên.

Thứ nhất, Việt Nam đang thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính tốt, bao gồm hệ thống về giao dịch bảo đảm, hệ thống chia sẻ thông tin tín dụng, các chế định về mất khả năng thanh toán và phá sản.

Thứ hai, các bên đi vay thiếu tài sản bảo đảm. Thông thường, các bên đi vay không có nhà cửa hay đất đai mà chỉ có các khoản phải thu hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh hay các loại tài sản là động sản khác.

Thứ ba, thị trường còn thiếu các dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng phù hợp dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Thứ tư, các định chế tài chính còn chưa đa dạng để có thể có cả các tổ chức tín dụng ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoạt động trên thị trường.

Thứ năm, các bên đi vay thiếu tính minh bạch trong báo cáo tài chính; phương án kinh doanh còn chưa có tính thực thi; các doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa có thông tin về tín dụng và doanh thu còn thấp.

Thứ sáu, bên cho vay thiếu thông tin về doanh nghiệp.

Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Huyền, ở các thị trường cho vay chuẩn mực trên thế giới, bên cho vay sử dụng 10-20 nhà cung cấp dữ liệu và phân tích dữ liệu bên thứ 3 ngoài báo cáo tín dụng. Ở các thị trường non trẻ hơn, bên cho vay sử dụng 2-3 nguồn của bên thứ ba. Các bên cho vay ở Việt Nam cũng đang thực hiện tương tự. Do đó, cần phát triển một không gian lớn hơn cho “dữ liệu thay thế ngoài báo cáo tín dụng”, một thị trường dành cho các nhà cung cấp dữ liệu và phân tích dữ liệu bên thứ 3.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang quyết liệt triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều tổ chức tín dụng đã và đang đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, cho vay trên nền tảng công nghệ, việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia đầy đủ, chính xác trên nền tảng công nghệ hiện đại có ý nghĩa hết sức quan trọng.

“Để đạt được mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thông tin tín dụng, kiểm tra việc chấp hành các quy định về báo cáo thông tin tín dụng của các tổ chức tín dụng, kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng báo cáo thông tin không đầy đủ, không chính xác. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng khai thác triệt để các sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cấp tín dụng, quản trị rủi ro”, ông Phạm Tiến Dũng cho biết.

Minh Thành

Theo Kinh doanh và Phát triển