Tín dụng tăng cao, kiểm soát rủi ro khi hàng triệu tỷ bơm ra thị trường
Tín dụng tăng cao là bệ đỡ cho tăng trưởng song cũng đặt ra nhiều lo lắng về tính bền vững trong cấu trúc vốn của nền kinh tế và cẩn trọng trong kiểm soát rủi ro.
Bức tranh tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng tích cực. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, cao nhất kể từ năm 2022.
Đánh giá về con số tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - cho rằng đây là một mức tăng trưởng cao, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024 với lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế rất lớn.
Năm nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, NHNN đưa ra tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, tương ứng lượng tiền tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đề ra thì mức tăng trưởng tín dụng còn lại của 5 tháng cuối năm là 6,1%.
Đây là tín hiệu rõ ràng thể hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân đang phục hồi nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn.
Từ đầu năm, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng đến các ngân hàng. Mới đây, Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu giao bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng theo thẩm quyền.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng chia sẻ rằng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng đang tăng trưởng tốt. Tín dụng được hỗ trợ bởi nhu cầu thị trường trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp.

Đến giữa tháng 6, nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
VietinBank ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong nhóm 4 "ông lớn" quốc doanh. Đến 10/6, dư nợ tín dụng của ngân hàng này đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm.
Ghi nhận ở ngân hàng ngoại Shinhan Bank Việt Nam, tăng trưởng tín dụng đến trung tuần tháng 6 cũng đạt trên 6,5%.
Trước những diễn biến tích cực như hiện nay, các chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 sẽ đạt mục tiêu tín dụng 16%, thậm chí có thể vượt nếu GDP đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên. NHNN cho biết sẽ sẵn sàng nới room tín dụng trong những tháng cuối năm nếu nền kinh tế cần thêm động lực.
Cẩn trọng kiểm soát rủi ro
Tín dụng tăng cao là bệ đỡ cho tăng trưởng nhưng cũng đặt ra nhiều lo lắng về tính bền vững trong cấu trúc vốn của nền kinh tế.
Tỷ lệ dư nợ trên GDP ở mức cao đang khiến giới chuyên gia và nhà điều hành phải cảnh giác.
Tỷ lệ này liên tục tăng trong những năm qua, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng thường duy trì cao gấp đôi mức tăng trưởng GDP.
Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo tỷ lệ này ở mức cao. Còn giới phân tích cho rằng nếu tỷ lệ này tiếp tục tăng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng và gây hệ lụy cho nền kinh tế.
Khi tín dụng tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP thì gánh nặng nợ trong khu vực dân cư và doanh nghiệp ngày càng lớn. Tình trạng này có thể khiến người vay bị bào mòn khả năng chi tiêu, đầu tư và trả nợ - các yếu tố quan trọng cho tăng trưởng bền vững.

Tại nghị trường Quốc hội mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ dư nợ tín dụng trên GDP ở mức 134% vào cuối 2024. Việc tiếp tục dựa vào vốn ngân hàng, theo Thống đốc, sẽ tiềm ẩn rủi ro của hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, nếu tín dụng được bơm mạnh vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản hay chứng khoán, hệ thống ngân hàng có thể phải đối mặt với những biến động lớn, kéo theo hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, dòng vốn dễ dàng "lệch pha", đi ngược lại với mục tiêu hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế của nhà điều hành.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định nếu tăng trưởng tín dụng cao hơn con số 16% sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát vượt mức 4,5% như đề ra. Chưa kể, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh, dòng vốn có thể chảy vào những lĩnh vực như chứng khoán, vàng, bất động sản và tạo ra bong bóng. Do đó, cần kiểm soát rủi ro.
TS. Trần Du Lịch đánh giá với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, lượng vốn khổng lồ dự kiến bơm vào nền kinh tế sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho tổng cầu. Nhưng nếu dòng vốn tín dụng không chảy vào sản xuất - kinh doanh mà đổ vào chứng khoán hay bất động sản kinh doanh thì nguy cơ tăng trưởng ảo và bong bóng tài chính như giai đoạn năm 2016 là rất cao.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhìn nhận khi thị trường vốn chưa đủ mạnh thì nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào vốn ngân hàng, trong khi thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nguy cơ hình thành bong bóng giá. Đồng thời, khi tín dụng tăng, thì vấn đề cần quan tâm chính là rủi ro nợ xấu đi lên.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Quang Huy cảnh báo, nếu các ngân hàng chạy đua cho vay thì chất lượng tín dụng có thể không kiểm soát được và nợ xấu gia tăng là khó tránh.
Nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán SHS Research chỉ rõ, mặt trái của đà tăng trưởng tín dụng là rủi ro chất lượng nợ gia tăng.
Thực tế, nợ xấu gần đây tăng nhanh. Năm 2024, nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng 17% về quy mô. Riêng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của 27 ngân hàng niêm yết tăng tới 43%.
Trước thực tế đó, đại diện NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một cách linh hoạt, tùy theo diễn biến thực tế. Chính sách tiền tệ sẽ được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định lạm phát và thị trường tiền tệ.
Đồng thời, để tăng trưởng cao, phát triển bền vững, cần lưu ý việc cân đối nguồn vốn cho các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, thời gian phân kỳ, dự phòng vốn cho các dự án để không bị động và không tạo áp lực thu xếp vốn.